Giữ lửa rối Tế Tiêu

Rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đang trên hành trình được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chỉ là một phường rối gia đình, mỗi năm diễn hơn chục buổi từ lời mời của các cơ quan, đơn vị, nhưng rối Tế Tiêu vẫn có sức sống bền vững. Đó là bởi tình yêu, lòng say mê của những nghệ nhân nơi đây và nhất là của Trùm phường, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng.

Nghệ nhân Phạm Công Bằng (bên trái) bên quân rối Tế Tiêu.
Nghệ nhân Phạm Công Bằng (bên trái) bên quân rối Tế Tiêu.

Trước đây, mỗi khi nói đến rối Tế Tiêu, hình ảnh ăn sâu trong tâm trí mọi người là một ông già râu bạc, tuổi cao, nhưng đôi mắt sáng và đôi tay linh hoạt cầm quân rối hướng dẫn mọi người. Đó là ông Phạm Văn Bể, người một tay gây dựng lại phường rối Tế Tiêu sau nhiều năm gần như thất truyền. Cả đời gắn bó với rối, cách đây bốn năm, ông Bể về với tổ tiên. Trong chín người con, ông Bể tin tưởng giao phó trách nhiệm phụ trách phường rối cho người con út - anh Phạm Công Bằng.

Rối Tế Tiêu “dễ mà khó”. Không như rối nước, chỉ cần “căng phông, dựng bạt” là sân khấu rối cạn có thể được dựng lên bất cứ nơi nào. Khó là bởi rối Tế Tiêu hay diễn các tích tuồng. Nghệ thuật tuồng đề cao yếu tố vũ đạo. Các động tác của mỗi nhân vật lại có đặc trưng riêng. Chưa kể, tất cả các cử chỉ, “ngôn ngữ cơ thể” của quân rối đều xuất hiện trọn vẹn dưới con mắt khán giả, chứ không được che bớt đi một phần như rối nước. Muốn diễn thành thục, phải mất nhiều năm luyện tập. Như câu chuyện của bao gia đình có nghề gia truyền khác, nghệ nhân Phạm Công Bằng biết đến quân rối trước khi biết đi. Lớn lên chút nữa thì “lẽo đẽo” theo bố đi diễn. Chả thế mà 12 tuổi, anh đã được giao cho mấy quân rối để diễn cùng các anh chị rồi, mê rối là điều tất nhiên! Nhưng mê rối, chưa thể bảo đảm cho sự thành công.

Không phải ai cũng tiếp cận với “chơi rối” (cách gọi của người làng Tế Tiêu) như nghệ nhân Phạm Công Bằng. Trước khi biết diễn, anh bắt đầu với việc sửa quân rối cùng bố. Học sửa quân, rồi đến chế tác, tạo hình. Anh quen với từng nhân vật rối từ khi nó còn là... khúc gỗ. Anh hình dung ra nhân vật, rồi tạo hình, đẽo gọt. Phường có khoảng 40 tích trò, anh nhớ như in từng tích truyện, diễn biến tâm lý từng nhân vật. “Thấm” tính cách nhân vật  của kẻ gian, kẻ nịnh thần, người anh hùng cái thế... ngay từ lúc ấy, anh Bằng đã cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của nhân vật. Và giờ 44 tuổi, đôi tay anh đã luyện rối hơn 30 năm. Khi Lão trượng (nhân vật tương tự như chú Tễu của rối nước) ra mắt giáo trò, khi âm nhạc xướng lên, anh Bằng sống với đời sống của nhân vật, cho dù mỗi tích trò chỉ là một đoạn ngắn. Mỗi quân rối được điều khiển bằng những chiếc que gắn vào. Vào tay anh, những chuyển động của quân rối nhịp nhàng, thanh thoát như sự thống nhất của một cơ thể. Nghe câu chuyện của nghệ nhân Phạm Công Bằng, chứng kiến quân rối trong tay anh, mới hiểu vì sao cố nghệ nhân Phạm Văn Bể chọn anh làm truyền nhân. Năm 2019, anh Bằng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. 

Hà Nội có nhiều phường rối nước. Nhưng rối cạn chỉ có một, là Tế Tiêu. Đặc thù của rối Tế Tiêu là phường rối gia đình. Gần 20 nghệ nhân của phường đều là anh em, họ hàng của cố nghệ nhân Phạm Văn Bể. Bây giờ, truyền thống ấy vẫn được duy trì. Mỗi khi muốn làm một tích mới, các nghệ nhân bắt đầu “dựng chuyện”. Căn cứ vào đó, nghệ nhân mới chế tác các quân rối, sao cho có dung mạo phù hợp tính cách nhân vật, rồi từ đó, chuyển thể nội dung thành hành động diễn xuất. Từ Tế Tiêu đến trung tâm TP Hà Nội khoảng gần 60 km. Trung bình mỗi năm, nghệ nhân Tế Tiêu diễn khoảng 10 đến 20 buổi. Bình thường, mỗi người một nghề mưu sinh. Nghệ nhân Phạm Công Bằng có nghề sửa chữa đồ điện tử. Hồi mới lập gia đình, vợ anh cũng xót ruột khi chồng nhiều khi bán đồ nghề để “nuôi” rối. Sau này, hiểu hơn đam mê của anh, chị mới thông cảm. Mọi người trong phường đều thế. Thù lao đi diễn chỉ đủ công đi lại. Nhưng một trong những lý do rối Tế Tiêu được Hà Nội chọn “ứng cử” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là bởi tính bền vững của di sản. Đó là vì cũng như Phạm Công Bằng, mọi người trong gia đình, họ tộc đều có tình yêu, trách nhiệm với di sản cha ông để lại. 

Phường rối giờ đỡ khó khăn hơn do được sự quan tâm của chính quyền thị trấn Đại Nghĩa. Chính quyền đã xây dựng thủy đình, hằng năm hỗ trợ một phần kinh phí để phường rối hoạt động. Theo chủ trương, huyện Mỹ Đức sẽ phát triển rối Tế Tiêu thành điểm du lịch, gắn với tuyến du lịch chùa Hương. Nhưng đấy là tương lai. Tồn tại chủ yếu với tư cách là phường rối gia đình cũng có nhiều khó khăn, các cơ quan thường quan tâm đến những hoạt động của tập thể, của địa phương hơn. Trong khi chờ những chính sách mới, nghệ nhân Phạm Công Bằng cũng tự xoay xở để phường rối phát triển. Anh dự định dựng một sân khấu nhỏ để có thể diễn những tích trò ngắn, cơ động để phục vụ khách tham quan. Cùng với đó, tổ chức một phòng trưng bày để giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển, những nét đặc trưng của phường rối. “Thời đại công nghệ, các bạn nhỏ thường bị cuốn hút bởi những phương tiện nghe nhìn khác. Không chỉ rối mà nhiều môn nghệ thuật truyền thống đều gặp khó khăn. Mình nghĩ rằng, muốn nghệ thuật truyền thống có sức sống, thì cần thổi hơi thở đương đại vào nghệ thuật. Điều ấy sẽ thu hút các bạn trẻ hơn”, nghệ nhân Phạm Công Bằng chia sẻ.