Dòng dõi ca trù

Những ngày cuối tháng 11, vinh dự to lớn đã đến với gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi (CLB Ca trù Thái Hà), khi cả hai cha con ông cùng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đó là sự ghi nhận sau bao nhiêu khó nhọc của ông trong bảo tồn, gìn giữ ca trù. Ca trù Thái Hà là một trong những đại diện tinh hoa của ca trù Thăng Long và nay đang tiếp tục được các thế hệ con cháu nghệ nhân Văn Mùi gìn giữ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi (người thứ hai từ phải sang) và con gái trong lễ công bố quyết định trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của TP Hà Nội.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi (người thứ hai từ phải sang) và con gái trong lễ công bố quyết định trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của TP Hà Nội.

Khi lên sân khấu nhận danh hiệu cao quý, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi xúc động nhớ lại những ngày tháng gieo neo về trước. Với gia đình ông, ca trù không chỉ là say mê, mà là cái nghiệp, là trách nhiệm với tiên tổ. Từ giữa thế kỷ 19, cụ tổ năm đời của dòng tộc đã say mê ca trù rồi truyền lại cho con cháu. Dòng họ Nguyễn khởi nghiệp ca trù từ ấy. Duyên nghiệp đã khiến dòng họ có nhiều ca nương, kép đàn tài danh. Vào đời Vua Thành Thái, cụ Nguyễn Thị Tuyết trở thành ca nương có tiếng phục vụ trong cung đình, được giao trọng trách quản lý ca vũ của triều đình. Vua Thành Thái thậm chí còn ban tặng ấp Thái Hà cho dòng họ để làm nhà thờ ca công. Từ đó, tên tuổi dòng họ Nguyễn gắn liền với ấp Thái Hà, như một dòng họ hát ca trù vừa có nét tinh hoa của đất Thăng Long, vừa có chất đài các của cung đình xứ Huế. Cụ thân sinh nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi là kép đàn Nguyễn Văn Xuân, một trong những kép đàn nổi tiếng nhất miền bắc trước năm 1945. Từ bé, mỗi khi nghệ nhân Nguyễn Văn Xuân đi hát, cậu bé Mùi được đi theo “hầu”. Và rồi ngấm ca trù.

Thời Pháp thuộc, có những người lợi dụng ca trù để làm nghề "bán phấn buôn hương", khiến nhận thức của mọi người về ca trù lệch lạc mãi đến tận sau này. Ngay cả những nghệ nhân nổi tiếng nhất như Quách Thị Hồ, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Thị Phúc… cũng đành gói cây đàn, cỗ phách lại. Mỗi dịp giỗ Tổ, ông Mùi lại mời những nghệ nhân có tiếng từng gắn bó với ca trù đến cùng hát để vơi đi nỗi nhớ. Ông Mùi luôn thấy nặng nợ với dòng họ khi nghĩ đến ca trù. Và giữa thời bao cấp, khi các gia đình chạy vạy được cái ăn đã là may lắm, thì ông đầu tư cho con cái theo con đường nghệ thuật. Hai người con trai của ông là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Tiến đều theo học môn nhạc cụ dân tộc ở Học viện Âm nhạc quốc gia. Khi ấy trường lớp chính quy không dạy đàn đáy, ông tìm đến những nghệ nhân nổi tiếng thời trước để gửi gắm con trai theo học. Cô con gái út Nguyễn Thúy Hòa thì được theo học cụ Quách Thị Hồ vào những năm tháng cuối đời của cụ. Ông bà Mùi cứ lầm lũi nuôi con ăn học mà không chắc lắm về tương lai… Có lúc ông bảo, cứ thấy con cái trải chiếu ra, đứa đàn, đứa hát, ông được cầm chiếc roi chầu để gieo những tiếng “chát, tom” là thấy mừng lắm rồi. Thừa hưởng sẵn gien của dòng họ, gia đình ông đã có hai kép đàn tài hoa và một ca nương cao sang. Còn với nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, từ lâu, ông đã được coi là tay trống chầu đệ nhất. Và đặc biệt, kiến thức uyên thâm về ca trù mang tính cung đình truyền thừa qua các thế hệ trong dòng họ là điều mà gần như không ai có được. Chẳng hạn như với bài “Hồng hồng, tuyết tuyết” có đoạn: “Ngày xưa Tuyết muốn lấy chồng/ Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì/ Bây giờ Tuyết đã đến thì/ Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già”. Với gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, đó không phải là lời tán tụng của một ông già với cô đào trẻ. Các thế hệ đi trước của gia đình ông truyền lại, đây là lời trách ngầm triều đình của các danh sĩ xưa. Khi Pháp mới đến thì triều đình không quyết đánh. Khi muốn đánh thì sự đã muộn rồi… Ca trù cứ tồn tại âm thầm mà bền bỉ trong gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi như thế. Năm 1991, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết từ Pháp về Việt Nam đã tìm đến gia đình ông Mùi. Nhạc sĩ đã làm cầu nối đưa gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi sang biểu diễn ở Pháp và một số quốc gia khác. Không ngờ thế giới trân trọng ca trù đến thế. Nhiều buổi biểu diễn xong, cha con ông bị Việt kiều “bao vây”. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi quyết định cùng các con thành lập Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà tại phố Thụy Khuê. Năm 1996, cô con gái út của ông là ca nương Thúy Hòa được trao giải thưởng “Cú sốc âm nhạc” của Pháp. Đó cũng là thời điểm mà trong nước bắt đầu quan tâm hơn đến nghệ thuật ca trù.

Có những khoảng thời gian dài, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi biểu diễn miễn phí để những người yêu ca trù có thể đến thưởng thức, tìm hiểu. Đó là cách để gia đình được diễn và cũng để gieo mầm tình yêu ca trù đến mọi người, đến với thế hệ trẻ. Gia đình ông cũng tích cực tham gia truyền dạy các kỹ thuật hát, đánh phách, chơi đàn trong những dịp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức dạy ca trù. Hiện nay, CLB ca trù Thái Hà còn lưu giữ được hơn 30 làn điệu ca trù cùng với một kho băng đĩa ca trù của các nghệ nhân nổi tiếng trong và ngoài dòng tộc, đã được sưu tầm từ năm 1927 - 1935, với nhiều làn điệu cổ, làn điệu khuôn mẫu của ca trù.

Vinh dự đến với dòng họ Nguyễn hát ca trù muộn màng. Ở tuổi 87, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cùng con gái nhận được danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Niềm vui nhân lên gấp bội khi hôm nay, gia đình ông có thêm hai ca nương nữa, là hai cháu nội Nguyễn Thu Thảo và Nguyễn Kiều Anh. Cả hai đều giành nhiều danh hiệu qua các kỳ liên hoan ca trù. Ca trù được truyền sang thế hệ thứ bảy. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi luôn coi đó là một trong những niềm tự hào lớn nhất, khi đã làm tròn trách nhiệm với tổ tiên.