Cùng "kể chuyện" lịch sử, văn hóa Hà Nội

Nét khác biệt của Bảo tàng Hà Nội so với các bảo tàng khác là có hàng nghìn hiện vật do chính người dân hiến tặng. Nhiều hiện vật gắn bó với các gia đình qua nhiều thế hệ, hiện vật có giá trị kinh tế cao. Nhưng với tình yêu Hà Nội, nhiều tập thể, cá nhân đã để "mảnh ký ức" của riêng mình góp phần kể câu chuyện lịch sử, văn hóa chung của Hà Nội.

Giới trẻ đến tìm hiểu những hiện vật được hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội.
Giới trẻ đến tìm hiểu những hiện vật được hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tiệm (ở xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội) cẩn thận thắp hương kính báo gia tiên trước khi trao những hiện vật mà gia đình ông gìn giữ bao năm nay cho cán bộ Bảo tàng Hà Nội, gồm đôi quạt ba tiêu, những bộ khăn chầu, áo ngự, cây kiếm, đôi hài... Nhiều đồ vật đã nhuộm màu năm tháng, nhưng vẫn ánh lên vẻ cao sang. Ðó không phải là hiện vật thông thường, mà là những đồ gia đình ông thờ thánh bao năm nay. Có những vật dụng có tuổi đời non thế kỷ. Từ thời cụ kỵ, gia đình ông Tiệm đã thờ Thánh Mẫu. Những vật dụng này do các cụ để lại. Gia đình ông trân trọng hơn cả gia bảo. Bởi từng hiện vật đều gắn với những giá hầu đồng. Nhưng khi biết Bảo tàng Hà Nội vận động hiến tặng hiện vật, ông Tiệm và mẹ mình là cụ Nguyễn Thị Từng, năm nay 83 tuổi đã quyết định tặng lại bảo tàng. Trong ngày trao hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội, ông Tiệm xúc động chia sẻ: "Trong những hiện vật này, có những hiện vật ông ngoại tôi từng sử dụng khi hầu Thánh hơn nửa thế kỷ trước. Có quãng thời gian xã hội lên án tục thờ Mẫu, gia đình tôi phải vất vả lắm mới giữ những đồ thờ, đồ dùng trong hầu Thánh trong những giai đoạn ấy. Có người hỏi mua, nhưng chúng tôi không bán những hiện vật này, dù người ta trả bất kỳ giá nào. Tôi nghĩ rằng, xã hội vẫn chưa nhiều người hiểu hết về đạo Mẫu. Nếu đưa những hiện vật liên quan đến thờ Mẫu và các thánh đến công chúng qua bảo tàng, mọi người có thể hiểu đúng hơn, hiểu rõ hơn đó là những giá trị di sản, chứ không phải mê tín biến tướng trong nhận thức và hành vi của một số người".

Bảo tàng Hà Nội được khánh thành đã tám năm. Nhưng phần nội dung trưng bày vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Ðó là một hệ thống đồ sộ, giới thiệu về Hà Nội từ địa lý, tự nhiên, cho đến lịch sử, văn hóa, xã hội... Hệ thống đó cần một lượng hiện vật khổng lồ, trong khi nguồn lực kinh tế để có thể mua lại hiện vật có hạn. Lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội đã có sáng kiến để mọi người dân Hà Nội có thể "góp lòng", giúp hoàn thiện phần trưng bày. Nhiều hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội nói riêng, bảo tàng nói chung là những cổ vật có giá trị kinh tế. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người nghĩ, việc vận động không dễ thành công. Song, thực tế, sáng kiến ấy đã đáp ứng mong đợi của rất nhiều người tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa của thành phố. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Ðà chia sẻ: "Những "mảnh ký ức" riêng lẻ của mỗi người sẽ được hệ thống lại, giúp công chúng có cái nhìn rõ nét hơn về lịch sử, văn hóa Hà Nội qua các thời kỳ. Cá nhân tôi từng gặp nhiều chủ nhân của các hiện vật. Rất nhiều hiện vật gắn bó với gia đình, dòng họ nhiều năm. Chúng tôi thật sự xúc động trước những tấm lòng của các bác, các anh, các chị khi chia xa những hiện vật ấy".

Với tất cả 140 hiện vật, gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm là một trong những người hiến tặng nhiều hiện vật giá trị nhất cho Bảo tàng Hà Nội. Ngoài ông Tiệm, còn nhiều hiện vật, nhiều câu chuyện xúc động khác. Bà Triệu Thị Thực đem đến một số mẫu lụa, hình ảnh về làng nghề và bộ mẫu hoa văn hình hoa ban mà cố Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Chỉnh từng sáng tác. Những mẫu lụa này đều từng được giải thưởng quan trọng của Hà Nội và quốc gia. Bà Triệu Thị Thực tâm sự: "Ông nhà tôi cả một đời tâm huyết với khôi phục, phát huy giá trị nghề dệt lụa Vạn Phúc, ông từng nhiều năm làm Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc. Mỗi lúc nhìn lại những sản phẩm của ông để lại cho đời, tôi đều xúc động đến bật khóc. Nhưng tôi quyết định tặng những kỷ vật của chồng mình cho Bảo tàng để con cháu cũng như mọi người thấy được vẻ đẹp của nghề dệt lụa Vạn Phúc".

Chỉ riêng trong đợt vận động hiến tặng hiện vật năm 2018, Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận hơn 1.000 hiện vật quý, để đến dịp 10-10-2019, Bảo tàng sẽ hoàn thành toàn bộ dự án trưng bày. Trong số này, có thể kể đến bộ đồ thờ của họa sĩ Nguyễn Mạnh Ðức (con trai nhà văn Kim Lân), bộ đồ nghề làm thuốc bắc gia truyền của ông Nguyễn Kim Bảng (phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm); bộ đồ làm nghề đậu bạc của ông Quách Phan Tuấn Anh (phường Ðịnh Công, quận Hoàng Mai) đã qua ba đời sử dụng; ông Phạm Văn Nên (làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức) tặng bộ ảnh tư liệu của gia đình liên quan đến nghề chụp ảnh những năm về trước... Quan trọng hơn, hầu hết các hiện vật đều phù hợp với kịch bản trưng bày, giúp làm rõ thêm từng giai đoạn lịch sử, từng khía cạnh văn hóa, đời sống của Hà Nội như về tín ngưỡng, tôn giáo, làng nghề, phố nghề, Hà Nội thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX hay thời kỳ kháng chiến giành độc lập, thời kỳ bao cấp... Có lẽ, một trong những niềm tự hào lớn nhất của Bảo tàng Hà Nội là được xây dựng từ tấm lòng của chính những người dân Hà Nội.