Bền bỉ một tình yêu

Hơn 10 năm trước, khi Ngô Quý Đức thành lập nhóm My Hanoi (Hà Nội của tôi), với những hoạt động gìn giữ, quảng bá văn hóa Hà Nội, nhiều người nghĩ, đó là một sản phẩm của thời “nông nổi”. Nhưng thời gian trôi đi, tình yêu ấy không nhạt phai, mà còn nhân lên…
Ngô Quý Đức trong vai trò giám khảo một cuộc thi nặn tò he và giới thiệu đồ chơi Trung thu truyền thống.
Ngô Quý Đức trong vai trò giám khảo một cuộc thi nặn tò he và giới thiệu đồ chơi Trung thu truyền thống.

Ngô Quý Đức thành lập nhóm My Hanoi năm 2006, khi mới 21 tuổi. Khi đó, công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh, cho nên việc xây dựng một thư viện điện tử cung cấp thông tin về Hà Nội của nhóm rất có ý nghĩa. Thư viện có lượng thông tin đa dạng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, phố phường, địa danh, con người Hà Nội. Thành lập “Hà Nội của tôi”, Đức mong muốn kết nối những tình yêu đơn lẻ ấy, để mỗi người, dù thuộc các thế hệ khác nhau gắn kết lại nhằm góp phần gìn giữ nét đẹp của Thủ đô. Việc sắp xếp, quản lý, sàng lọc và đưa lên trang mạng là công việc khó khăn. Rất may, các bạn trẻ trong nhóm được sự ủng hộ nhiệt tình của các chuyên gia nghiên cứu như: nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Vũ Thế Long, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán… Nhiều người đã truy cập và tìm được những thông tin hữu ích về lịch sử, văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến. My Hanoi có nhiều hoạt động phong phú. Trong đó, có những chuyến du khảo văn hóa đến các làng nghề, hay các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống thu hút được nhiều lứa tuổi.

Suốt một thời gian dài, Đức làm cộng tác viên cho các báo và công tác tại Tạp chí Nhiếp ảnh, nhưng mục đích chính của công việc ấy là để có điều kiện tiếp cận văn hóa truyền thống, các làng nghề. Dấu ấn của My Hanoi ngày một đậm nét hơn trong đời sống cộng đồng, nhất là khi Đức cùng các bạn trẻ trong nhóm triển khai các hoạt động bảo tồn trò chơi dân gian. Nhóm đã miệt mài tìm cách sống dậy những trò chơi dân gian qua các hoạt động, bắt đầu từ việc đưa các trò chơi nhảy dây, đánh chuyền, kéo co, ô ăn quan… vào các sự kiện, các hoạt động của cộng đồng. Trước Tết dương lịch năm 2016, bất ngờ, nhóm nhận được lời mời của Sở Du lịch Hà Nội tham gia sự kiện “Ký ức Hà Nội”. Đó là lần đầu những trò chơi dân dã của con trẻ xuất hiện ở “sân chơi lớn”. Nhóm được mời tổ chức trò chơi dân gian ở nhiều sự kiện khác nhau. My Hanoi trở thành đơn vị tổ chức các trò chơi dân gian trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, một hoạt động được mọi người ở đủ các lứa tuổi ưa thích.

Cuối năm 2017, Đức rời nhóm My Hanoi đi tìm một hành trình mới. Bây giờ, Ngô Quý Đức là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian Làng nghề Việt (thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam). Đức chia sẻ: “Cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt đọng lại ở những làng nghề. Ngay từ hồi trẻ, tôi đã say mê với những đồ chơi dân gian. Vì vậy, CLB Văn hóa dân gian Làng nghề Việt chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề nói chung, nhất là những nghề làm đồ chơi dân gian”. Nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Người ta sẽ làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị của nghề cổ truyền khi CLB chỉ gồm những người đam mê văn hóa mà không có sự hỗ trợ của tổ chức nào. Đức tiếp cận các nghệ nhân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ; tìm ra cả những điểm yếu khiến sản phẩm làng nghề, đồ chơi dân gian khó tiếp cận đời sống hiện đại. Từ đó, kết nối các cơ quan, đơn vị, tìm ra cách để quảng bá sản phẩm làng nghề nói chung, đồ chơi dân gian nói riêng. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, CLB Văn hóa dân gian Làng nghề Việt được giao phụ trách 22 gian hàng giới thiệu văn hóa truyền thống, văn hóa làng nghề tại không gian phố bích họa Phùng Hưng. Để tổ chức được các gian hàng, với nguồn lực, nhân sự có hạn, Đức cùng cộng sự đã mất nhiều công sức kết nối giữa các nghệ nhân với Ban quản lý phố cổ. Ở một sự kiện gần đây, Đức cùng các thành viên CLB tổ chức chuyến du khảo về làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) để mọi người có điều kiện tìm hiểu văn hóa làng nghề, những nét đặc sắc của nghề chạm khắc có tuổi đời hàng trăm năm.

Trái với sự năng động trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày, Đức là người rụt rè, ít nói. Nhưng điều ấy lại phần nào khiến các nghệ nhân gửi gắm niềm tin. Như câu chuyện Đức học nghề mặt nạ giấy bồi của nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa (phố Hàng Than, quận Ba Đình) - người duy nhất giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi trong phố. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa là người kỹ tính. Ông cũng không tin có bạn trẻ lại say mê với công việc này đến thế. Nhiều lần Đức đến với ông, ông mới nhận ra tình yêu của bạn trẻ này với nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa không những truyền nghề, ông còn hứa sẽ tặng Đức toàn bộ dụng cụ làm nghề khi đã mỏi mắt, run tay. Ngô Quý Đức tâm sự: “Hà Nội có những nghề làm đồ chơi dân gian rất độc đáo như: Nghề làm đồ chơi Trung thu ở Hậu Ái (huyện Hoài Đức), nghề làm đồ chơi bằng sắt tây, nghề làm mặt nạ giấy bồi, nghề làm đèn kéo quân… Mong ước của tôi không chỉ dừng ở việc bảo tồn, mà còn có những sáng tạo, đổi mới để đồ chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu ngày một đa dạng của giới trẻ”.

Cùng với thời gian, luôn có những nhóm, những câu lạc bộ về văn hóa truyền thống của các bạn trẻ ra đời. Thế rồi, nó rơi rụng dần, khi các thành viên bước qua thời tuổi trẻ. Nhưng với Ngô Quý Đức, chặng đường qua đã ngót 15 năm. Và còn rất nhiều câu chuyện, mới chỉ bắt đầu…