Anh hùng biểu diễn... rối nước

Nói đến nghệ thuật rối nước, gần như ai cũng nghĩ đến những tích trò quen thuộc, đã gắn bó với đồng quê Việt Nam như: Múa tiên, Câu ếch, Chọi trâu, Đấu vật... Nhưng ở làng rối nước Đào Thục, có một tiết mục không nơi nào có, đó là "Hà Nội chiến thắng B52". Điều đặc biệt hơn, tiết mục đó ra đời nhờ bàn tay của chính một người từng đánh B52 bảo vệ bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa năm 1972: Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn (trong ảnh).

Anh hùng - nghệ nhân Đinh Thế Văn giới thiệu nghệ thuật rối nước.
Anh hùng - nghệ nhân Đinh Thế Văn giới thiệu nghệ thuật rối nước.

V Ề Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), hầu như vị khách nào cũng tưởng đùa khi các nghệ nhân kể chuyện rối nước...

đánh B52. Phải đến khi tận mắt chứng kiến người ta mới tin là chuyện thật. Hoạt cảnh rối nước "Hà Nội chiến thắng B52" bắt đầu với cuộc sống yên bình của nông thôn miền bắc. Bất chợt, tiếng còi rú lên, cùng giọng nói từng rất quen thuộc với nhiều người hơn 40 năm về trước: "Đồng bào chú ý, máy bay địch đang tiến về Hà Nội...". Những chiếc máy bay gầm thét trên bầu trời hòa trong tiếng súng từ mặt đất bắn lên. Rồi bất ngờ, một "quả tên lửa" vút lên bắn trúng chiếc B52 "đầu đàn". Chiếc máy bay "bốc cháy". Nếu được biểu diễn vào buổi tối, người xem không thể không bất ngờ vì màn diễn rối nước "Đánh B52" diễn ra... y như thật, hiệu ứng khói lửa được thể hiện một cách tối ưu. Càng ngạc nhiên hơn khi biết, đây chính là câu chuyện của một nghệ nhân Đào Thục kể về cuộc chiến mà ông từng tham gia - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn.

Năm 1953, mới 16 tuổi, chàng thanh niên "chưa đủ tuổi" Đinh Thế Văn xung phong lên Tây Bắc, tham gia chiến dịch Điện Biên. Chàng thanh niên "hoi" bị từ chối do thân hình quá gầy gò, nhỏ bé.

Nhưng do kiên trì, chân thành bày tỏ nguyện vọng, anh thanh niên chưa đầy 40 kg ấy cũng được nhận. Sau chiến thắng Điện Biên, ông trở về làng.

Nhưng chẳng bao lâu, ông lại cầm súng, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ nỗ lực phấn đấu, nên mới ngoài 30, Đinh Thế Văn đã trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257 - Sư đoàn 361). Trận địa mà Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn phụ trách được đặt ở Chèm (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm) - một trận địa xung yếu, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não của Hà Nội. Mặc dù đơn vị đã có sự chuẩn bị, luyện tập kỹ càng cho tình huống đánh B52, nhưng ở lần đối đầu thật sự, tất cả các chiến sĩ đều rất căng thẳng, bởi B52 được bảo vệ bằng nhiều máy bay khác, lại còn có các thiết bị gây nhiễu nhằm đánh lạc hướng ra-đa của ta. Các loại máy bay bảo vệ B52 không ngừng lùng sục để đánh trả các trận địa ra-đa, tên lửa, pháo cao xạ. Trong cuộc chiến này, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã chỉ huy đánh B52 theo phương pháp "vượt nửa góc". Thực hiện phương pháp này, các chiến sĩ phải mở máy ra-đa liên tục để lùng sục, vạch trong dải nhiễu tìm B52. Cách đánh này cũng rất nguy hiểm so với cách đánh "bắn ba điểm", máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa nếu ta không tắt sóng ra-đa kịp thời, đòi hỏi kíp chiến đấu phải có thần kinh thép, sự tỉnh táo, phối hợp đồng bộ, và lòng dũng cảm.

Thượng úy Đinh Thế Văn đã chỉ huy đơn vị bắn rơi chiếc máy bay B52 thứ hai trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ngay sau đó, đơn vị tiếp tục rút kinh nghiệm từ lần đầu này và tiếp tục bắn rơi thêm ba chiếc B52 nữa, trở thành một trong hai đơn vị phòng không bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất của quân chủng.

Những năm 1990, Đại tá Đinh Thế Văn nghỉ hưu. Cụ thân sinh ra ông vốn là một nghệ nhân rối nước nổi tiếng. Khi đó, làng rối nước Đào Thục gặp rất nhiều khó khăn. Nghệ nhân, người còn người mất, thế hệ mới không mấy ai mặn mà.

Nhận thức đây là một giá trị văn hóa quý báu, ông và một số nghệ nhân quyết tâm tìm cách khôi phục. Ông đại tá quân đội đi gặp nhiều cơ quan, đoàn thể vận động, giải thích với bà con. Thế rồi, một tòa thủy đình mới được đầu tư xây dựng, người dân các địa phương biết đến rối nước Đào Thục nhiều hơn. Có đến hơn 30 tích trò đã được khôi phục.

Ông nghĩ, cứ diễn mãi những tích trò cũ thì cũng "mòn". Cần phải có những tiết mục mới cho hấp dẫn. Ông nhớ lại những trận đánh B52.

Nếu tái hiện ký ức ấy bằng nghệ thuật quê hương thì nó sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt. Hơn nữa, tiết mục ấy còn có tác dụng giáo dục lịch sử cho khán giả, nhất là khán giả trẻ. Đến năm 2003, ông cùng các nghệ nhân Đào Thục bắt tay dựng hoạt cảnh mới. Ông và các nghệ nhân thiết kế con rối chưa từng có trong lịch sử Đào Thục: Đó là những chú bộ đội, những cô dân quân, những chiếc máy bay Mỹ, những quả tên lửa... Việc điều khiển những quân rối này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Người dân Đào Thục vốn quen thuộc với từng con rối, từng tiết mục. Nhưng đến khi hoạt cảnh ra mắt, không ai không kinh ngạc. Có cả mô hình máy bay bốc cháy ngùn ngụt rơi xuống mặt hồ (cũng là sân khấu rối nước).

Với những thành tích trong kháng chiến, năm 2013, Đại tá Đinh Thế Văn được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng trong năm 2013, do những nỗ lực không ngừng trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống, ông được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trao tặng Giải thưởng Đào Tấn. Chỉ còn vài năm nữa là ông Văn bước sang tuổi 80. Những công việc chính ở phường rối Đào Thục hiện đã được những lớp thế hệ sau gánh vác, ông thường xuất hiện trong vai trò cố vấn kỹ thuật. Khi được hỏi rằng ở nhiều nơi, lớp trẻ xa rời nghệ thuật truyền thống, làng rối Đào Thục có lo lắng về những thế hệ kế cận không, nghệ nhân Đinh Thế Văn cho biết: "Phường rối Đào Thục chúng tôi luôn coi việc đào tạo nghệ nhân trẻ, nuôi dưỡng niềm đam mê biểu diễn rối cho các cháu là nhiệm vụ hàng đầu.

Hiện giờ có một nửa số nghệ nhân trong độ tuổi trên dưới 30 và còn nhiều cháu trẻ hơn đang từng bước theo học. Bởi thế, chúng tôi không phải băn khoăn về lực lượng kế cận. Nhưng để các cháu gắn bó hơn với nghệ thuật múa rối nước là một vấn đề. Hiện nay, Đào Thục đã phát triển du lịch, đón nhiều khách quốc tế. Song thù lao từ biểu diễn còn quá ít. Lớp trẻ nhìn vào thù lao của biểu diễn sẽ so sánh với các nghề khác. Bởi vậy, có nghề rồi, nhưng để yêu nghề thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan, để việc biểu diễn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn".