“Nợ” miệng

Cụ Quán nhìn tờ lịch mà đi ra đi vào, có vẻ nóng ruột. Thấy vậy, ông Túc - con cụ bảo: “Chắc cụ lại lo chuẩn bị lễ thượng thọ phải không? Bọn con sẽ lo cho cụ được nở mày nở mặt với làng xóm”. Ông Túc nói vậy chứ trong bụng cũng băn khoăn. Mỗi mâm cơm cũng ngót triệu bạc, thế nhưng, nếu không làm thì dân làng sẽ lời ra, tiếng vào.

Từ ngày chính quyền vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, dân làng tổ chức cỗ bàn đơn giản hơn. Có điều, lệ ở làng này, cứ đám hiếu, hỷ là có đến nửa làng đi ăn cỗ. Đã trót ăn của nhà người ta, thì nhà nào cũng phải trả nợ miệng, nếu không có việc hiếu, hỷ, thì phải trả bằng cỗ khao nhà mới, mừng thọ… Nhà nào cũng tổ chức linh đình.

Đang lo lắng thì bỗng ông Minh gọi cổng. Ông Minh là cán bộ ở thành phố về hưu, mới về quê mấy năm nay. Gia đình ông Minh cũng chuẩn bị làm lễ thượng thọ cho cụ bà. Nhà ông Minh khá giả, nhưng ông Minh cũng sợ cỗ bàn. Ông Minh bảo ông Túc: “Nhiều địa phương khác mọi người cũng làm đơn giản cả rồi. Hay là chúng ta ý kiến với trưởng thôn, vận động mọi người giảm cỗ bàn thượng thọ?”. Ông Túc mừng thầm, nhưng chưa hết băn khoăn: “Nhưng còn các gia đình khác thì sao?”. Ông Minh bảo: “Tôi thăm dò rồi, phần lớn mọi người đều ngán cả. Nhưng ai cũng ngại nói ra. Tôi sẽ đứng ra đại diện, chỉ cần bác và mấy người nữa đi cùng”. Ít hôm sau, ông Minh tập hợp được sáu người cùng đề xuất ý kiến với trưởng thôn. Bác trưởng thôn quả quyết: “Các bác nói phải. Tôi cũng thấy bất cập khi mừng thọ linh đình, đang định bàn với lãnh đạo thôn để giải quyết. Các bác cứ tổ chức giản tiện làm gương, tiến tới chúng tôi sẽ phổ biến cho toàn dân”.