Lo lắng thái quá

Đang tần ngần đứng bên dãy quầy hàng bán thịt lợn trong chợ, bà Toan chợt thấy bà Bích ở cùng khu tập thể từ đâu te tái đi tới. Khẽ níu tay kéo bà Toan ra một góc, bà Bích ghé vào tai thẽ thọt: - Ô hay, bà liều thật đấy! Thế không biết tin gì hả?

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của bà Toan, bà Bích tiếp lời: - Ăn thịt lợn bây giờ nguy hiểm lắm! Dịch tả lợn châu Phi đang lan tràn khắp nơi. Người ta chuyển sang ăn thịt gà, thịt bò, tôm, cá hết rồi… Nghe bà Bích nói vậy, bà Toan hoang mang, đưa mắt nhìn về mấy quầy thịt lợn. Đúng là vắng hoe, vắng hoắt, chẳng bù cho dạo trước, người mua xếp hàng mua tíu tít. Từ lúc đó, bà Toan luôn đề phòng, cảnh giác cao độ với món thịt lợn.

Việc tẩy chay thịt lợn nhanh chóng lan truyền giữa các bà nội trợ trong khu tập thể, dẫn tới hầu hết các gia đình đều tạm dừng ăn thịt lợn và sản phẩm chế biến từ lợn. Thậm chí, ai trót mua thì đem ra vứt bỏ ngoài thùng rác. Không chỉ cấm cản trong gia đình, bà Toan băm bổ đến tận trường mầm non, nơi đứa cháu nội theo học, khẩn khoản đề nghị nhà trường cắt khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn cho các cháu. Cô hiệu trưởng hết lời giải thích thịt lợn mà nhà trường lấy từ một cơ sở có uy tín, bảo đảm an toàn, nhưng bà Toan không nghe, ngúng nguẩy dắt đứa cháu nước mắt ngắn dài bỏ dở buổi học để về nhà.

Sau khi được trung tâm y tế phường hướng dẫn, đồng thời qua tìm hiểu thêm trên phương tiện thông tin đại chúng, mọi người hiểu cặn kẽ hơn về dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, từ đó mọi người trong khu tập thể bớt phần lo lắng thái quá.

Việc nêu cao ý thức phòng dịch bệnh là điều cần làm. Tuy nhiên, mọi người nên tìm hiểu để có thông tin đúng đắn, việc phòng ngừa không trở thành thái quá, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, việc sản xuất và kinh doanh thịt lợn của hộ chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp.