Cạnh tranh thiếu lành mạnh

Phố Kim Mã vào giờ cao điểm tấp nập xe cộ. Một thanh niên mặc áo khoác mầu xanh của dịch vụ vận chuyển Grab đi chậm, mời chào một người đàn ông trung niên đang đi bộ bên đường. 

Người đàn ông đang định leo lên xe thì bất ngờ hai người đàn ông khác ở gần đó lao đến túm cổ áo anh thanh niên xe ôm Grab, quát lớn: “Mày ở đâu ra, đi chỗ khác mà kiếm ăn”. Bị áp đảo, cậu thanh niên trả lời: “Em... em... chỉ đón khách theo ứng dụng của công ty thôi mà”. Một trong hai người đàn ông vẫn sừng sộ: “Tao không biết, khu vực này là chỗ kiếm cơm của chúng tao. Đừng có mà tranh giành”.

Thấy xô xát, nhiều người dừng lại và vỡ lẽ, hai người đàn ông tiến công anh thanh niên là những người chạy xe ôm, thường đứng chờ khách ở đoạn này. Mọi người đều lên tiếng can ngăn hai bên. Ai cũng thông cảm cho cậu thanh niên. Trông có vẻ như là sinh viên đi làm thêm. Người đàn ông trung niên bắt xe ôm Grab lên tiếng: “Tôi nghĩ hai anh nên bỏ cậu ấy ra. Người lớn mà làm ăn như thế là không đàng hoàng. Mỗi người có một đối tượng khách hàng khác nhau. Nếu tôi không đi xe Grab, thì cũng không đi xe của hai anh đâu”. Bị nhiều người phản đối nên hai người xe ôm nọ bỏ đi. Từ ngày có “xe ôm công nghệ”, va chạm giữa xe ôm “kiểu cũ” và xe ôm “kiểu mới” là không ít. Thế nhưng, có lẽ cách tốt nhất là mỗi hình thức nên nâng cao chất lượng phục vụ, giá cả hợp lý để cạnh tranh, giữ khách hàng thay vì đôi co, thậm chí ẩu đả, gây ảnh hưởng đến người khác.