Vào rừng để học về rừng

Sau những thành công của mùa thứ nhất, chương trình giáo dục về rừng nhiệt đới dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam "Rừng ơi! 2014" tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo các bạn thiếu niên đến từ các trường học trên địa bàn TP Hà Nội. Chương trình năm nay đã cải tiến về nội dung và phong phú hơn về hình thức.

Các bạn trẻ bàn về khoáng sản và sự khai thác tận diệt trong một buổi nói chuyện tại Trường THCS Vân Hồ.
Các bạn trẻ bàn về khoáng sản và sự khai thác tận diệt trong một buổi nói chuyện tại Trường THCS Vân Hồ.

Mùa hè năm 2013, chương trình "Rừng ơi!" lần đầu tổ chức nhưng đã được đông đảo học sinh, sinh viên biết đến. Chương trình tập trung giáo dục cho thanh, thiếu niên ý thức bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, những người khơi nguồn ý tưởng và thực hiện dự án này mới đang tuổi đôi mươi. Họ là những sinh viên đang học tập trong và ngoài nước, với tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, họ đã tập hợp nhau lại và cùng thực hiện.

Chương trình năm nay tiếp tục thu hút học sinh nhiều trường trên địa bàn Hà Nội như Trường tiểu học Trưng Trắc, tiểu học Nam Thành Công A, THCS Alpha, THCS Vân Hồ, THCS Nguyễn Trường Tộ, THPT Việt Đức, THPT Hà Nội - Amsterdam... Đồng thời, chương trình cũng mở rộng quy mô với sự tham gia của các học sinh tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam. Trong ba đợt thực hiện, mỗi đợt kéo dài hai ngày rưỡi, ban tổ chức đã truyền tải nhiều thông điệp về rừng và môi trường một cách gần gũi, thực tế cho các em học sinh. Mỗi buổi trò chuyện với khách mời đều xoay quanh một chủ đề nhất định. Các chủ đề này đều gắn chặt với thực tế như: Đặc điểm của rừng Việt Nam và thông tin chung về các vườn quốc gia trong nước; Tài nguyên động vật rừng quý hiếm và nạn săn bắn động vật trái phép; Đa dạng thảm thực vật rừng, nạn chặt phá rừng bừa bãi và ảnh hưởng của vấn đề này đến tình trạng biến đổi khí hậu; Các biện pháp bảo vệ rừng nói chung... Không chỉ là lý thuyết khô khan, chương trình còn lồng ghép các mô hình, hình ảnh thực tế, thu hút các em học sinh. Tại Trường THCS Vân Hồ, nhóm thực hiện đã xây dựng mô hình "Các lớp vỏ Trái đất", giúp các em hình dung rõ hơn về các lớp khoáng sản khác nhau và hậu quả nghiêm trọng nếu khai thác tận diệt các nguồn khoáng sản này.

Bạn Đồng Sỹ Tâm, cố vấn nội dung của chương trình "Rừng ơi! 2014" cho biết: "Để tạo ra sự khác biệt về nội dung so với năm 2013, các thành viên trong nhóm đã làm việc hăng say, miệt mài, thậm chí không để ý đến thời gian. Có những buổi chạy nội dung và ý tưởng kéo dài từ sáng sớm cho đến tối mịt mà các thành viên trong nhóm không hề nghỉ ngơi". Còn với Nguyễn Quang Anh, học sinh Trường THPT Thăng Long, tình nguyện viên hướng dẫn của dự án chia sẻ: "Qua hai năm gắn bó với chương trình "Rừng ơi!", mình thấy chương trình ngày càng gần gũi hơn với các bạn trẻ. Năm nay, tiêu chí của chương trình không chỉ bồi dưỡng về kiến thức mà còn tăng cường nâng cao nhận thức. Chúng mình đã cố gắng cải thiện nội dung các phần thảo luận, các câu hỏi trong chương trình thật ngắn gọn, súc tích nhằm giúp các thành viên có thể tiếp thu nhiều nhất kiến thức về rừng và môi trường. Ngoài ra, còn có một sự bổ trợ không hề nhỏ từ những chuyến đi thực tế".

Lê Minh, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trưng Trắc, tham gia Tháng Giáo dục tuần 1 tại Trường THCS Vân Hồ kể lại: "Những chuyến đi thăm rừng trong chương trình đã để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc, nhất là về cây Chò ngàn năm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Qua mỗi chuyến đi, chúng em có thêm hiểu biết, tự tin khi thuyết trình về chủ đề này".

Cuộc hành trình của "Rừng ơi! 2014" vẫn đang tiếp tục. Các thành viên mới tham gia đang háo hức chờ đợi "Trại hè khám phá" sẽ kéo dài hai đêm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương vào ngày 11-7 tới. Chuyến đi sẽ giúp các em học sinh nắm bắt rõ hơn về những kiến thức đã được học, qua đó thêm yêu và có trách nhiệm bảo vệ rừng.