Thanh niên tham gia phòng, chống tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng là vấn đề lớn, tưởng như nằm ngoài tầm của các bạn trẻ. Nhưng không, bằng những việc làm nhỏ mà thiết thực, thanh niên có thể phòng chống, ngăn ngừa tham nhũng ngay trên giảng đường, lớp học.

Một buổi trao đổi ý kiến về vai trò của thanh niên trong phòng, chống tham nhũng.
Một buổi trao đổi ý kiến về vai trò của thanh niên trong phòng, chống tham nhũng.

Bốn buổi tọa đàm khá đặc biệt vừa được tổ chức lần lượt tại các trường: Ðại học Thái Nguyên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viên Thanh thiếu niên. Mỗi lần đều nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ xoay quanh vấn đề tham nhũng, liêm chính. Hóa ra, tham nhũng thể hiện ngay trong những hành vi, sai phạm mà các bạn sinh viên dễ dàng bắt gặp hoặc tham gia vào.

Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Phong trào Ðoàn Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Trần Toàn Trung đã đưa ra một thí dụ điển hình về tham nhũng trên giảng đường. Theo đó, với những hành động như thầy kết thúc giờ giảng sớm hơn so với giờ quy định, trò không đối thoại thẳng thắn, yêu cầu thầy chấp hành nghiêm quy định để bảo đảm chất lượng giảng dạy, thì sự thiếu thẳng thắn đối thoại đó chính là một biểu hiện của "tham nhũng" về thời gian. Hoặc như giảng viên lợi dụng nghề nghiệp để gây khó dễ, vòi vĩnh tiền bạc, quà cáp... từ sinh viên, bắt sinh viên phải đi học thêm ở nhà thầy... Hay sinh viên, nhất là ban cán sự lớp, lợi dụng quyền hạn để vắng mặt không có lý do chính đáng, "vận động hành lang" để cả lớp đồng ý "đi" thầy cô xin điểm, chạy điểm... đó đều là những hành động tham nhũng.

Ðể góp phần làm thay đổi suy nghĩ hô khẩu hiệu khi phòng, chống tham nhũng, nhóm bạn trẻ đến từ Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cùng nhau tham gia chương trình "Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam năm 2011", do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ tổ chức. Trần Danh Tuyên, trưởng nhóm truyền thông của dự án chia sẻ: "Sau thành công khi tham gia cuộc thi, cả nhóm đã thống nhất phải biến những điều nghiên cứu trên giấy trở thành hiện thực. Chính vì vậy, từ năm 2011 đến nay, nhóm đã tổ chức rất nhiều hoạt động. Trong đó, bốn buổi tọa đàm là hoạt động trọng tâm nhằm giới thiệu và phổ biến để nhiều người biết đến nhóm và hoạt động nhóm đang thực hiện".

Cũng theo chia sẻ của Trần Danh Tuyên, nhóm đã chia các phần công việc thành hai giai đoạn chính. Giai đoạn một là mở đầu, mang tính chất quảng bá thông tin về nhóm, nhằm mục đích để nhiều người biết đến nhóm hơn. Giai đoạn hai, nhóm sẽ tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng gắn liền với xây dựng bộ quy tắc ứng xử của thầy và trò trên giảng đường tới đông đảo các bạn trẻ, các bạn sinh viên. Bộ quy tắc này không chỉ đưa ra các chuẩn mực ứng xử, những hướng dẫn cặn kẽ mà còn xây dựng thêm cơ chế xử phạt.

Nội dung trong bộ quy tắc ứng xử đề cập đến sự dũng cảm đấu tranh, lên án với những hành vi vụ lợi vi phạm phẩm chất đạo đức, làm xấu đi mối quan hệ thầy - trò. Trò không sử dụng vật chất, tiền bạc và những mối quan hệ cá nhân đặc biệt nhằm mưu cầu sự thiên vị, mưu cầu lợi ích cho cá nhân và nhóm. Luôn sẵn sàng công khai, minh bạch trong mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi của thầy cô và của sinh viên. Bộ quy tắc còn đề cập đến sự ưu ái, thân thiết giữa thầy và trò. Sẽ có những giảng viên thiên vị hay phân biệt đối xử với các sinh viên, nhất là trong quá trình giảng dạy, thi cử. Nguyên nhân có thể do cảm tính của giảng viên, do áp lực từ các mối quan hệ thân quen tác động... Tuy nhiên, sinh viên cần mạnh mẽ lên án những hành vi mang tính tham nhũng, vi phạm phẩm chất đạo đức này. "Có hai hình thức phản ánh. Hình thức trực tiếp là gặp và báo cáo với người có trách nhiệm. Hình thức gián tiếp là gửi thông tin đến địa chỉ email duanÚgiangduongtuoidep.com.vn, dự án sẽ chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết như Ban Thanh tra theo thẩm quyền", Trần Danh Tuyên cho biết thêm.