Tạo sân chơi tìm hiểu lịch sử cho học sinh

Không phải ai (kể cả người Hà Nội) cũng biết được cặn kẽ Văn Miếu được dựng năm nào? Có bao nhiêu tấm bia, ghi danh bao nhiêu tiến sĩ? Không phải ai cũng biết ý nghĩa của tên cầu Thê Húc... Mới đây, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng đã tổ chức “Thi tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” cho học sinh ba trường tiểu học Lê Văn Tám, Quỳnh Mai và Lê Ngọc Hân nhằm khuyến khích lớp trẻ tìm hiểu lịch sử. Đây không chỉ là một cuộc thi mà còn là một buổi học ngoại khóa thú vị.

Các học sinh tham gia cuộc thi “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”.
Các học sinh tham gia cuộc thi “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”.

Các em học sinh đã hào hứng thi tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử Thăng Long - Hà Nội và thi hùng biện. Các em trả lời, chia sẻ những kiến thức về giá trị của Văn Miếu với những tấm bia tiến sĩ được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới từ năm 2011, về truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc. Những dấu mốc lịch sử, những công trình tiêu biểu, những con người tài danh của Thăng Long - Hà Nội để lịch sử được nhận biết sáng rõ hơn qua từng câu chuyện sinh động. Qua mỗi phần thi, các em đã tiếp nhận nhiều kiến thức về một di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của Thủ đô gắn với truyền thống giáo dục và khoa cử, truyền thống trọng tri thức, tôn vinh những tấm gương hiếu học.
Những tri thức này sẽ được các em khắc ghi cùng với những cảm xúc sâu sắc khi bản thân và các bạn chính là những “người trong cuộc” của một cuộc thi lành mạnh và bổ ích. Cuộc thi kết thúc có giải nhất, nhì, ba, nhưng chung cuộc, tất cả đều chiến thắng - cả các em học sinh tham gia và cả những người lớn đồng hành cùng các em. Đây không chỉ là một cuộc thi, mà là một hành trình đến với văn hóa, văn hiến.

Di tích, di sản chính là những nguồn “tài nguyên văn hóa” quan trọng có thể kết hợp, bổ sung cho bài giảng mà các nhà trường cần khai thác. Đến những nơi đó, học sinh, như một khách du lịch tham quan, có thể tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều về nguồn gốc quá khứ, tính đa dạng văn hóa. Các thầy giáo, cô giáo có thể hướng dẫn các em quan sát, so sánh, từ đó có thể tìm thấy những điểm dị biệt và tương đồng với văn hóa của mình, thu nhận thêm những kiến thức văn hóa đa dạng.
Đại diện Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ, 82 tấm bia tiến sĩ thời Lê - Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được
UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đã làm cho nơi đây trở nên đặc biệt vì là di tích quốc gia chứa di sản thế giới. Không chỉ là tư liệu hay các công trình xây dựng, di tích - di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là “người kể chuyện” với các hình thức đặc biệt, gợi cảm xúc và cung cấp thông tin đa dạng thông qua các di vật, tư liệu, và những câu chuyện kể. Đến đây, các em học sinh có thể thu nhận những câu chuyện kể đó một cách thú vị qua nhiều “kênh” sinh động. Những cách truyền tải thú vị đó sẽ khắc ghi sâu đậm hơn phần nội dung kiến thức nhà trường cần các em tiếp nhận.

Những người yêu quý và tôn vinh sự học đều muốn đến với không gian của trường xưa, miếu cũ, trầm lắng mà ngẫm ngợi công việc giáo dục hôm nay để tìm cách tiếp nối truyền thống trọng tri thức, trọng trí thức của cha ông. Không kể các đoàn tham quan cấp cao và khoảng 1,5 triệu khách du lịch, hằng năm nơi đây đón hàng trăm đoàn với hàng chục nghìn lượt học sinh đến tham quan và dự những lễ tuyên dương, những hoạt động khuyến học, khuyến tài. Những hoạt động này cần được mở rộng thêm nữa, đặc biệt là những cuộc thi sôi động, học mà vui như đã được tổ chức. Cố gắng này cần nhận được sự ủng hộ của cả hai ngành văn hóa và giáo dục.