Say sưa học chèo

Chỉ vỏn vẹn một tháng học tập và giao lưu nhưng các bạn sinh viên đã được "sống" với chèo. Họ còn được hóa thân thành nhân vật trong các vở chèo nổi tiếng như Mẹ Ðốp, Thị Mầu...

Các bạn trẻ học diễn chèo với đạo diễn Lê Tuấn Cường.
Các bạn trẻ học diễn chèo với đạo diễn Lê Tuấn Cường.

"Chiềng làng chiềng chạ

Thượng hạ Tây Ðông

Con gái Phú Ông tên là Mầu Thị..."

Giọng ngâm nga của gần 15 sinh viên đang tập vai Mẹ Ðốp (vở chèo Quan Âm Thị Kính) khiến nhà thể chất Trường Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội như biến thành một chiếu chèo thật sự. Mỗi bạn một tính cách, một chất giọng nhưng tất cả đều cố gắng làm bật lên cái chất sắc sảo, đốp chát của Mẹ Ðốp. Ðạo diễn Nhà hát Chèo Việt Nam, nghệ sĩ Lê Tuấn Cường tận tình luyện cho các bạn cách luyến láy, nhả chữ, lấy hơi cho đến các động tác múa, ánh mắt, dáng đi sao cho ra cái hồn của nhân vật. Nhiều người chỉ tò mò đến xem nhưng dường như bị cuốn hút vào lớp học chèo đặc biệt này.

Trong lớp, Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh viên Khoa tiếng Anh, Trường ÐH Hà Nội) tỏ ra thấm chất chèo hơn cả. Từ giọng hát mượt mà cho đến ánh mắt, điệu múa của Hà đều toát lên được nhân vật Mẹ Ðốp đang cợt nhả với tên xã trưởng ngu dốt. Thanh Hà chia sẻ: "Em rất thích nghệ thuật truyền thống nhưng đây là lần đầu tiên tham gia hát chèo. Ban đầu học, em và các bạn gặp rất nhiều khó khăn vì có những luyến láy, đưa đẩy mà bọn em không hát được. Rồi còn phải học cả diễn xuất, điệu bộ, nét mặt. Có những trích đoạn đủ cả điệu sắp thường cho đến nhịp ngoại, rất khó giữ đúng nhịp. Nhưng rồi được thầy cô hướng dẫn tận tình, chúng em bớt bỡ ngỡ và dần quen với chèo". Phương Thảo (cựu sinh viên Khoa Kinh tế, Trường ÐH Thương mại) cũng rất hào hứng với lớp học: "Ðầu tháng tới em sẽ đi du học và em muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống. Ðây sẽ là những hiểu biết thú vị để em chia sẻ với bạn bè nước ngoài. Sự nhiệt tình của các thầy cô đã truyền cảm hứng cho em. Các bạn trông hiền lành, nhẹ nhàng vẫn có thể vào những vai chanh chua, đốp chát".

Thảo cũng như phần lớn học viên lớp học chèo đều chưa từng trải về nghệ thuật truyền thống. Nhưng các bạn tò mò, yêu thích chèo và đã tìm đến thử sức trong lớp học này của dự án Chèo 48h do nhóm National Chèo Ographics tổ chức. Dự án chia làm hai chặng. Các bạn trẻ tham gia lớp học đang trải qua chặng đầu tiên là "Chèo khám phá" với những thông tin chung về chèo, về lịch sử ra đời và các nhân vật trong chèo. Ðồng thời, cũng là các bước cơ bản trong hát, diễn chèo. Chặng thứ hai mang tên "Chèo trải nghiệm", là cơ hội cho các bạn đến làng Chèo cổ ở Thái Bình giao lưu, học hỏi với các nghệ nhân. Ðạo diễn Lê Tuấn Cường là một trong những người thầy gắn bó với Chèo 48h từ những ngày đầu tiên. "Tôi thấy các em yêu nghệ thuật truyền thống là điều rất đáng quý. Ðó chính là động lực khiến tôi nhận lời giảng dạy và trao đổi với các bạn trẻ lớp Chèo 48h. Nghệ thuật là tình yêu, các em yêu rồi nên tiếp thu rất dễ, người thầy chỉ cần đưa phương pháp, giúp các em hiểu làn điệu, mô hình nhân vật đồng thời cho các em xem qua tư liệu về các vở chèo cổ. Các bạn tham gia đều thông minh, nhanh nhẹn, sau vài buổi học đã nắm được các làn điệu chèo truyền thống, nắm được cách diễn của các vai kinh điển như Lý trưởng, Mẹ Ðốp...".

Ngoài các thầy cô dạy chính, dự án còn mời nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam đến giao lưu. Ai cũng tỏ ra tâm đắc với lớp học được hình thành từ tình yêu với nghệ thuật dân tộc. NSƯT Minh Chí, nhạc công bộ gõ dân tộc và bộ gõ nghệ thuật chèo, chia sẻ: "Những dự án như này thế nên tiếp tục được nhân rộng và phát triển để lớp trẻ gần gũi hơn với nghệ thuật truyền thống".