Khi nữ sinh thành cầu thủ

Trong cái giá rét cuối năm, sân bóng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội vẫn rộn ràng, náo nhiệt. Điều đáng nói là các thành viên trên sân lại không phải các chàng trai mà là những nữ sinh "chân yếu tay mềm".

Các nữ cầu thủ của đội bóng Trường đại học Ngoại thương Hà Nội.
Các nữ cầu thủ của đội bóng Trường đại học Ngoại thương Hà Nội.

Theo chân những nữ sinh viên - cầu thủ đến sân bóng trong một ngày giá rét của tháng 12 mới cảm nhận hết được sự nhiệt tình, đam mê của các bạn trẻ. Trong tiếng hò reo cổ vũ của cổ động viên, các cô gái chạy hết mình cùng trái bóng tròn. Nhiều bạn có kỹ thuật khá tốt, không hề thua kém các bạn nam. "Những tưởng bóng đá chỉ hấp dẫn các bạn nam nhưng khi tiến hành, giải lại nhận được sự quan tâm, chú ý và hào hứng của rất nhiều bạn nữ, kể cả các sinh viên năm cuối bận rộn bài vở cũng rất hăng hái - chị Võ Thị Mai Phương, Chủ tịch CLB Thể thao FSC của Trường đại học Ngoại thương Hà Nội, đơn vị tổ chức giải cho biết. Nhìn lại chặng đường sáu năm của Giải bóng đá nữ Trường ĐH Ngoại thương, số lượng các đội tham gia đã tăng lên đáng kể. Ban đầu chỉ có tám đội, sau ba năm tăng lên 28 và giải năm nay có 50 đội đăng ký. Từ một hoạt động ngoại khóa nhỏ lẻ, Giải bóng đá nữ Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đã dần dần chuyên nghiệp hơn, quy mô hơn. Ban tổ chức đã chu đáo trong khâu chuẩn bị, hỗ trợ các đội cả về sân tập, áo đồng phục, huấn luyện viên..., tạo nên một sân chơi thể thao vui khỏe, bổ ích, ý nghĩa.

Thành phần các cầu thủ tham gia của các đội cũng rất đa dạng. Có đội các thành viên đến từ cùng một CLB, có đội lại quy tụ các bạn cùng lớp hoặc các bạn đồng hương... Nhiều đội còn có sự tham gia của các bạn sinh viên người nước ngoài.Nhưng dù đến từ đâu, mỗi trận đấu đã thành cầu nối để các bạn sinh viên hiểu nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách khoa -ngành học, miền quê và cả sự khác biệt về quốc tịch. Bạn Phạm Thị Ánh Ly, sinh viên lớp Anh 4 khoa Quản trị kinh doanh K51 chia sẻ: "Quá trình tham gia luyện tập và thi đấu chúng mình cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết là việc tập trung thành viên bởi mỗi người có lịch học, sinh hoạt khác nhau. Nhớ hôm đá trận vòng bảng, mấy bạn trong đội lại phải về địa phương lấy bằng tốt nghiệp để kịp nộp cho nhà trường. Quân số thiếu phải chạy đi nhờ bạn khác thi đấu hộ. Cũng vì thế mà trận hôm đó chúng mình bị thua đậm".Không chỉ vậy, nhiều bạn khi tham gia còn chưa hiểu luật thi đấu, ít thời gian luyện tập, trong vận động không tránh khỏi chấn thương nhẹ cũng đã ảnh hưởng nhiều đến giải đấu.

Khó khăn là vậy nhưng niềm đam mê với trái bóng tròn, niềm vui khi tham gia thi đấu đã thôi thúc các cô gái nỗ lực trong từng đường bóng. Những nữ sinh hằng ngày vốn hiền thục, nhẹ nhàng là thế mà khi vào sân cũng sẵn sàng ganh đua từng bước chạy, không ngại cả những cú vấp ngã hay trượt chân. Ngoài sân, cổ động viên nhiệt tình khuấy động không khí cả sân. Cầu thủ Lương Thị Thanh Huyền chia sẻ: "Mỗi khi ghi bàn hay sút trượt, xử lý bóng hỏng, cổ động viên bên ngoài đều hô vang tên các cầu thủ. Vì vậy, dù kết quả trận đấu như thế nào thì cả đội vẫn cảm thấy vui vẻ khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình như vậy". Chủ tịch CLB Thể thao FSC Võ Thị Mai Phương cũng chia sẻ thêm: "Năm nay, các thầy cô, đoàn trường và các bạn nam đã quan tâm nhiều hơn đến giải bóng đá nữ. Đôi khi những lời hỏi thăm của mọi người như "Tỷ số hôm nay thế nào?" hay "Bao giờ lớp đá nhớ báo thầy đi xem với nhé!" đã khích lệ các nữ cầu thủ rất nhiều".

Được biết, đội bóng đá nữ của nhiều trường ĐH như Ngoại giao, Kinh tế, Khoa học Xã hội và Nhân văn... đã gửi lời đề nghị đấu giao hữu với các đội Trường ĐH Ngoại thương.Mong rằng hoạt động ngoại khóa này sẽ ngày càng mở rộng, giúp các bạn trẻ rèn luyện sức khỏe, tăng thêm sự hiểu hiết, đoàn kết lẫn nhau.