Đưa sách cũ đến người đọc mới

Không có sự hỗ trợ của các nhà sách, nhà tài trợ, bốn Câu lạc bộ sinh viên đã tự tổ chức Ngày hội Đổi sách 2015. Gần 12.000 đầu sách đã được thu nhận, 3.000 lượt người đến trao đổi, 3.000 đầu sách được quyên góp cho trẻ em vùng khó khăn… là những thành công sau nhiều nỗ lực của cả nhóm.

Tiếp nối thành công của chương trình Ngày hội Đổi sách các năm trước, năm nay, CLB Tình nguyện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiếp tục thu nhận và đem những cuốn sách cũ đến chủ nhân mới. Ngày 19-9, sảnh tầng ba trung tâm Thương mại Indochina Plaza (đường Xuân Thủy, Cầu Giấy) tấp nập người đến tham gia ngày hội. Hàng chục quầy sách được chia theo thể loại như sách giáo khoa, giáo trình, tiểu thuyết, đời sống, truyện tranh… Quầy nào cũng túm tụm các bạn trẻ tìm đọc, lựa chọn. Chung quanh là các quầy ẩm thực, bán đồ handmade (làm bằng tay)... để gây quỹ ủng hộ trẻ em khó khăn.

Muốn thử sức trẻ, các thành viên trong CLB đã không mời nhà sách hay đơn vị tài trợ nào. Thay vào đó, các bạn kết hợp cùng bốn nhóm khác là CLB Âm nhạc SOS, CLB Ngoại ngữ Xanh, CLB Ghi-ta, CLB GLEE để phối hợp tổ chức chương trình. Nguyễn Danh Sơn, thành viên CLB Tình nguyện Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Do tự tổ chức nên chúng em đã huy động tối đa nhân lực, phân chia nhau từng nhiệm vụ cụ thể để triển khai. Khi kết hợp với các CLB khác, chúng em thấy công việc được triển khai chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đơn cử, các bạn nữ trong CLB Ngoại ngữ Xanh rất khéo tay nên đã tự làm đồ handmade, đồ ăn, bán trong chương trình. Các bạn trong CLB âm nhạc, ghi-ta thì chuẩn bị sân khấu, biểu diễn âm nhạc phục vụ mọi người đến ngày hội. CLB Tình nguyện thì phụ trách chính về mảng sách”.

Trước đó, từ giữa tháng 8-2015, CLB Tình nguyện đã thu nhận sách tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố như cổng Trường ĐH Thương mại, khu ký túc xá Mễ Trì, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội)… Mỗi điểm luôn có từ ba đến năm thành viên trực, thu nhận sách báo, phát phiếu đổi sách. Với mỗi 25.000 đồng trên giá bìa, người đem sách đến được nhận một phiếu. Tại ngày hội, sau khi chọn được quyển sách khác ưng ý, người đó sẽ thanh toán bằng phiếu đổi sách này. Sinh viên Nguyễn Thị Lý, khoa Tiếng Pháp - Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Đây là cách làm rất hay, tạo ra ngày hội chung cho những ai muốn trao đổi sách. Ai cũng có những cuốn sách không còn dùng đến nữa, nhất là sách giáo khoa, giáo trình, những cuốn truyện đã đọc, nhưng chúng vẫn có ích với người khác. Qua Ngày hội Đổi sách, chúng ta vừa được cho đi, vừa được nhận lại”.

Sách khi thu nhận được phân loại thành sách giáo khoa các cấp, sách giáo trình, tiểu thuyết, truyện tranh, báo-tạp chí..., đóng riêng từng thùng và tập hợp về kho. Chỉ trong thời gian ngắn, các điểm thu nhận đã gửi về kho khoảng 12.000 đầu sách, gần gấp đôi số lượng của năm trước. Các thành viên tâm sự: “Đi cùng niềm vui khi nhận được số lượng sách lớn là nỗi lo lắng, vất vả khi vận chuyển, sàng lọc, phân loại. Tất cả chúng em đã dành nhiều thời gian, công sức chuẩn bị nhưng khi ngày hội diễn ra thành công, ai cũng thấy xứng đáng và quên hết mệt mỏi”.

Sau ngày hội, hơn 9.000 đầu sách đã được trao tay, tiếp tục phát huy giá trị của chúng với những người chủ mới. Khoảng 3.000 đầu sách còn dư, chủ yếu là sách giáo khoa, sẽ tiếp tục được Ban tổ chức chọn lọc để dành tặng học sinh nghèo ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng với nhiều bút, vở viết mới. “Tự lo từ A đến Z, chúng em đã gặp không ít khó khăn, nhưng cũng đã có được nhiều kinh nghiệm, bài học hay. Từ những thành công của năm nay, chúng em sẽ cố gắng đưa chương trình thật sự trở thành ngày hội của những người yêu sách, cần sách trong những năm tới” - Nguyễn Danh Sơn chia sẻ.