Đón nhận và cho đi

Những đứa trẻ ở Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO không chỉ được nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ mà các thầy giáo, cô giáo tại đây còn muốn các em nghĩ đến mọi người chung quanh, chủ động làm gì đó đóng góp cho xã hội. Tìm tòi, sáng tạo và ứng dụng các ý tưởng bảo vệ môi trường là một trong các hành động với ý nghĩa “cho đi” đó.

Học viên Trung tâm dạy nghề KOTO trong giờ học nấu ăn.
Học viên Trung tâm dạy nghề KOTO trong giờ học nấu ăn.

Trong căn phòng nhỏ trang bị đầy đủ máy chiếu, bàn ghế, các nhóm học sinh của Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO (trụ sở tại đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) hồi hộp chuẩn bị chờ đến lượt thuyết trình về các ý tưởng, sáng kiến bảo vệ môi trường. Đây là phần quan trọng, có tính bắt buộc trong kế hoạch học tập, rèn luyện của các học viên tại đây. Ít ai nghĩ rằng, những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, trình độ học vấn có hạn như các em lại đầy sáng tạo, thông minh trong các ý tưởng bảo vệ môi trường. Một nhóm đã trình bày về ý tưởng lấy thức ăn thừa tại các gia đình để ủ với mùn cưa, làm đất trồng cây xanh trong nhà thay cho việc đổ bỏ thức ăn lãng phí. Có nhóm mạnh dạn triển khai hệ thống lọc nước sạch cho các gia đình sống trên thuyền tại bãi giữa sông Hồng. Thấy thời tiết nồm, nhiều ẩm mốc, muỗi, dĩn, một nhóm khác lên ý tưởng lấy các vỏ cam, chanh bỏ đi để chiết xuất tinh dầu, đốt đuổi muỗi. Có em còn khéo tay kết các cốc nhựa, chai nhựa bỏ đi thành những chiếc đèn chùm đầy tính nghệ thuật.

Nguyễn Hồng Ngọc, học viên tại KOTO chia sẻ: “Để có được những sáng kiến, ý tưởng này, chúng em đã cố gắng tìm hiểu trên mạng in-tơ-nét, sách báo, hỏi han mọi người rồi thử làm. Nhiều lần thất bại nhưng chúng em không nản, động viên nhau thử đi, thử lại cho đến khi thành công mới thôi”. Trong các ý tưởng về bảo vệ môi trường được trình bày, không ít ý tưởng bị “chê” vì thiếu thực tế, khó áp dụng. Như chiếc túi đi chợ kết từ những chiếc túi ni-lông đã bị chê vì không đẹp, chưa bảo đảm vệ sinh. Trước những lời góp ý thẳng thắn, các em đã đón nhận vui vẻ và cho biết sẽ tìm hiểu và hoàn thiện các sản phẩm.

Giáo viên dạy kỹ năng sống của Trung tâm KOTO Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ, các học viên ở KOTO đều là các em có hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều thiệt thòi. Các em hoặc là trẻ lang thang, không nơi cơ nhỡ, hoặc là trẻ mồ côi, gia đình khó khăn. Được KOTO tiếp nhận, các em được đào tạo nghề dịch vụ nhà hàng, khách sạn trong hai năm. Trong hai năm đó, các em được trung tâm chi trả toàn bộ tiền ăn, ở, học phí, được học và thực hành kỹ năng nấu nướng, phục vụ trong nhà hàng, khách sạn, được học tiếng Anh để giao tiếp và quan trọng nhất là được thực tập, rèn luyện tay nghề tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng. Qua 17 năm thành lập và duy trì, hàng trăm học viên của KOTO đã được định hướng nghề nghiệp và trưởng thành trong công việc, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Em Bùi Đăng Quý (quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) phải nghỉ học sau khi học xong lớp 9 vì gia đình không đủ tiền cho cả ba anh em đến trường. Mới 16 tuổi, Quý lặn lội ra đảo Cát Bà (Hải Phòng) để rửa bát cho quán ăn, kiếm tiền nuôi bản thân và phụ đỡ bố mẹ. May mắn biết đến trung tâm KOTO, sau hai năm sống và học tập tại đây, em tự tin, quyết tâm theo đuổi nghề bếp, hy vọng sẽ có công việc ổn định tại một nhà hàng trong thành phố. Quý cười hiền: “KOTO như một gia đình. Các thầy, cô không chỉ dạy kiến thức làm nghề mà còn dạy nhiều kỹ năng sống, giúp chúng em nhìn nhận bản thân, công việc và cuộc sống, có niềm tin hơn vào tương lai”.

Vậy có gì liên quan giữa học nghề bếp, dịch vụ nhà hàng khách sạn với ý tưởng bảo vệ môi trường? Cô Nguyễn Thanh Thúy giải thích, các em học viên ở KOTO thường phải trải qua nhiều tổn thương, thiệt thòi. Trong tâm hồn các em còn có sự gai góc, nghi ngại, không muốn chia sẻ, mở lòng ra với cộng đồng, xã hội. Đến trung tâm, các em được đón nhận nhiều điều nhưng chúng tôi cũng không muốn với tâm lý rằng mình thiệt thòi, thiếu thốn mà các em chỉ nghĩ đến việc đón nhận. Chúng tôi muốn các em chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, gắn kết với những mối quan hệ và suy nghĩ vì lợi ích chung của tập thể, tin vào một xã hội tốt đẹp hơn. Và lên ý tưởng, hành động để bảo vệ môi trường chính là một hoạt động với ý nghĩa “cho đi” đó. Trình độ kiến thức của các em có hạn, những ứng dụng, ý tưởng bảo vệ môi trường còn đơn giản, nhưng đây là sự nỗ lực tư duy, tìm tòi của các em. Và từ nhận thức, dần dần các em sẽ biến thành hành động, dù nhỏ nhưng sẽ có ích cho xã hội.