Tiệm cắt tóc không lời

Sinh ra đã bị khiếm thính, nhưng Nguyễn Thái Thành (sinh năm 1991) đã vượt qua sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, vươn lên trở thành chủ công ty chuyên làm đẹp. Không chỉ nỗ lực hoàn thiện bản thân, công ty của anh còn nhận dạy nghề, tạo việc làm cho hàng chục người cùng cảnh ngộ.

Nguyễn Thái Thành cắt tóc cho khách hàng.
Nguyễn Thái Thành cắt tóc cho khách hàng.

Dù đã tìm hiểu trước, nhưng khi đến tiệm cắt tóc của anh Nguyễn Thái Thành ở phố Kim Mã, Hà Nội, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Salon Thành làm chủ có cơ ngơi khá khang trang, chỉ lạ, từ nhân viên cho đến khách hàng, không ai nói một lời. Họ trao đổi với nhau bằng những ký hiệu, bằng tin nhắn điện thoại hay bằng những mẩu giấy viết tay. Để thể hiện sự hài lòng khi đã được tạo một kiểu tóc ưng ý, khách và chủ chỉ cười với nhau, một nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc.

Sở dĩ có cái lặng lẽ nhưng giàu cảm xúc đó là bởi, chủ và nhân viên đa phần đều là người câm, điếc bẩm sinh. Ở đây, ngôn ngữ lời nói bỗng trở nên thừa thãi. Để có thể trò chuyện với Thành, chúng tôi phải nhờ đến một người bạn chuyên làm phiên dịch cho người câm, điếc. Vẻ ngoài trầm lắng, lặng lẽ bỗng trở nên sinh động, khi chúng tôi được nghe người phiên dịch bóc, tách từng chặng đường trưởng thành của người chủ salon Nguyễn Thái Thành.

Sinh ra đã không thể nói, chẳng thể nghe, cha mẹ chạy chữa khắp nơi không được, Thành lớn lên trong im lặng. Đến tuổi đi học, cậu bé cũng cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, vì câm, điếc bẩm sinh, Thành lặng lẽ như một cái bóng. Cậu đến trường trong sự im lặng và về nhà trong nỗi cô đơn. Các bài kiểm tra, Thành chỉ chép bài của bạn. Được điểm cao, thầy giáo tỏ ra hài lòng với kết quả học tập của em càng khiến cậu bé buồn và khổ tâm hơn.

Đến năm 14 tuổi, gia đình Thành mới biết đến Trường dạy trẻ điếc Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và quyết định cho em theo học. Chỉ sau một thời gian ngắn “vật lộn” với ngôn ngữ ký hiệu, làm quen với cuộc sống mới, cuộc đời Thành như sang một trang mới. “Tôi bắt đầu sống đúng nghĩa từ tuổi 14. Tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ trong lòng mình và hiểu được người khác muốn gì. Tôi được học chữ. Lần đầu tiên có thể nhắn tin cho bố mẹ ở quê nhà, tôi đã khóc trong niềm hạnh phúc không ngờ”, Thành chia sẻ.

Kết thúc khóa học tại Trường Nhân Chính, Thành nhen nhóm khát vọng lập nghiệp và nỗi hoang mang về tương lai. Tình cờ vào tiệm cắt tóc gần nhà, nhìn những người thợ cắt tóc “múa kéo” điêu luyện, Thành vô cùng thích thú. “Tôi quyết định học làm thợ cắt tóc. Tôi học ở Bắc Giang một thời gian, sau đó lên Hà Nội xin vừa học, vừa làm tại các salon tóc”, Thành nhớ lại.

Tuy nhiên, con đường của một thanh niên khuyết tật giàu ước mơ vốn không bằng phẳng. Đến đâu xin học nghề, Thành cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của chủ tiệm. Họ từ chối cậu, vì nghĩ một thanh niên câm điếc chẳng thể làm gì và họ cũng không đủ kiên nhẫn truyền đạt cho cậu. “Mưa dầm thấm lâu”, cứ kiên trì đi khắp các tiệm cắt tóc, Thành cũng được nhận vào học. Thay vì lắng nghe, hỏi lại, Thành chọn cách quan sát thật tỉ mỉ và thực hành liên tục. Phần nào chưa hiểu, cậu ghi chú lại, rồi lên Youtube xem hướng dẫn. Từ một thợ học nghề, Thành ngày càng chuyên nghiệp và chẳng bao lâu đã trở thành thợ chính của salon.

Không bằng lòng với thực tại, Thành luôn nhắc nhở mình phải nâng cao tay nghề, nỗ lực học tập. Cậu đọc cẩn thận những góp ý cả khen lẫn chê của khách qua giấy, tin nhắn để rút kinh nghiệm. Để nâng cao trình độ tay nghề, Thành tiết kiệm tiền để vào TP Hồ Chí Minh học thêm một khóa học cắt tóc. Năm 2011, Thành mở một tiệm cắt tóc cho riêng mình tại ngõ Văn Chương (phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội). Khách hàng đến cắt tóc ưng ý lại giới thiệu cho bạn bè tìm đến. Những người bạn đồng cảnh ngộ cũng thường xuyên đến ủng hộ Thành. Tiệm cắt tóc của Thành vì vậy lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Năm 2015, Công ty cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn (gọi tắt là Công ty Thành Nguyễn) do Thành làm Giám đốc được thành lập. Năm 2016, Thành mở thêm cơ sở 2 trên đường Kim Mã.

Salon của Thành có một góc nhỏ xinh xắn, nơi lưu lại vô số lời nhắn gửi của khách hàng khi đến đây. “Bạn cắt tóc rất đẹp. Câu chuyện của bạn truyền cảm hứng sống cho mọi người. Tôi nghĩ nhiều người nên được biết về sự nỗ lực của bạn. Bạn quả là một người anh hùng”, Lu-ít, đến từ Ô-xtrây-li-a nhắn gửi.

Thành còn mở lớp dạy học nghề các bạn khiếm thính như mình. Sau gần sáu năm, Thành đã đào tạo hơn 30 học viên khiếm khuyết học và làm nghề. Em Ngọc Ánh (SN 1999) là một trong những học viên nhỏ tuổi nhất đang học với Thành. Học đến lớp 8 thì em bị khiếm thính, biết anh Thành thường dạy nghề có các bạn như Ánh, gia đình xin cho em đến học. Ngọc Ánh chia sẻ: “Em rất vui vì được học ở đây. Các anh chị hiểu, rất quan tâm và thương em. Anh Thành tận tình dạy em học nghề”.

Với những nỗ lực có được, chàng trai trẻ được nhận vô số bằng khen. Trong đó có bằng khen khi được bầu chọn là “Gương mặt trẻ triển vọng năm 2015” của Trung ương Đoàn, Giấy chứng nhận đoạt Giải đặc biệt cuộc thi “Nhà tạo mẫu tóc tiềm năng Tony & Guy” năm 2013...