Tấm lòng nhân ái của bà Phúc

Nghệ thuật là cầu nối giữa con người với con người, cũng chính là con đường giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. 23 năm qua, bà Phan Thị Phúc, ở phố Nguyên Hồng (quận Ðống Ða, Hà Nội) đã kiên trì giúp nhiều trẻ em khuyết tật trưởng thành, tự tin hơn, hòa nhập hơn trong cuộc sống bằng những lời ca, điệu múa.

Những ngày đầu năm Kỷ Hợi, căn phòng nhỏ trong Nhà sinh hoạt cộng đồng của phường Láng Hạ (quận Ðống Ða) rộn rã tiếng hát, tiếng cười của những trẻ em khuyết tật, chào đón mùa xuân mới. Ðó là Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, hay còn có tên gọi khác là lớp học tình thương của bà Phúc, được thành lập từ năm 1995. Lớp học có gần 30 trẻ, gồm các em nhỏ bị thiểu năng trí tuệ, dị tật hoặc bị tự kỷ. Thế nhưng, khi nhạc được bật lên, những đứa trẻ lại đồng thanh ê a theo lời hát.

Bà Phan Thị Phúc vốn là diễn viên kịch nói, công tác tại Ðoàn kịch Hải Phòng. Năm 1980, bà về làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ. Như một cơ duyên, tại đây bà Phúc được phân công quản lý đội kịch trẻ em, thường xuyên đi biểu diễn ở các trường học. Trong lần đưa đội kịch về Trường tiểu học Trung Tự (quận Ðống Ða, Hà Nội) biểu diễn, bà đã phát hiện ra nhiều em khuyết tật ở đây rất thích hát, thích múa... “Nhìn vào ánh mắt thơ ngây của các em, tôi biết các em rất thích và có khả năng múa, hát, vẽ tranh. Tuy nhiên, nếu như để các em học cùng với trẻ em bình thường thì rất khó theo kịp. Vì thế, tôi nung nấu ý nguyện thành lập một lớp học riêng, ở đó các em được thỏa sức sáng tạo, từ đó nhân lên sự tự tin, yêu đời, giúp các em hòa nhập với cuộc sống dễ dàng hơn”, bà Phúc kể.

Những trăn trở ấy của bà đã nhận được nguồn hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ phát triển Mỹ SERS. Năm 1995, Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội ra đời. Những ngày đầu mới thành lập, cả đội mượn góc sân Trường THCS Trung Tự để luyện tập, sau đó được nhà trường tạo điều kiện cho sử dụng một căn phòng rộng gần 100 m2 tại tầng một của Trường tiểu học Trung Tự.

Những đứa trẻ đến với lớp học của bà ngày đầu tiên còn ngô nghê và sống khép mình. Việc dạy hát cho những đứa trẻ khuyết tật, hạn chế về ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ và giao tiếp, trong đó có một số em có tính khí khác thường là việc không dễ dàng chút nào. Ðể khắc phục khó khăn, bà Phúc đã tham khảo cách dạy nghệ thuật cho người khuyết tật ở các nước phát triển rồi triển khai áp dụng ở câu lạc bộ này. Những ngày cuối tuần, bà ăn cùng, ngủ cùng và lắng nghe, xem lũ trẻ chơi đùa... Càng gắn bó, bà Phúc càng rút ra nhiều kinh nghiệm. Bà nhận ra, nghệ thuật có thể giúp các em hòa nhập xã hội, nhưng không thể giúp các em kiếm sống. Vì vậy, bà thường kết hợp việc dạy nghệ thuật và dạy nghề cho các em. Bà lựa chọn những nghề đơn giản và vừa sức với các em như: sửa chữa điện dân dụng, đan móc, làm các đồ thủ công mỹ nghệ... để dạy các em. Những em thích học may sẽ có máy khâu và giáo viên trường trung cấp nghề đến dạy. Với các em muốn học tin học văn phòng, nghề thủ công, bà nhờ một vài thầy giáo bên Trường đại học Bách khoa sang giúp đỡ. Câu lạc bộ còn có một nhóm theo học nhiếp ảnh và đã từng đoạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm ảnh dành cho người khuyết tật. Với khóa học dành cho các em tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, bà chủ yếu giảng dạy về ý thức lao động, biết yêu thương, chăm sóc bản thân mình, giúp đỡ cha mẹ trong công việc gia đình.

Tấm lòng nhân ái của bà Phúc đã lan tỏa đến nhiều người. Ðồng hành cùng lớp học tình thương của bà Phúc suốt những năm qua còn có những diễn viên múa, giáo viên thanh nhạc, những thầy giáo, cô giáo tại các trường dạy nghề... Họ là những người quen biết bà từ trước hoặc vô tình biết đến lớp học đặc biệt này, họ tình nguyện cùng bà chung tay giúp đỡ những đứa trẻ thiệt thòi hòa nhập cuộc sống, mà không nhận một đồng tiền công nào.

Trong một lần đến biểu diễn ở Nhà văn hóa Ðống Ða, cô Nguyễn Thị Thanh Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Mai đã biết đến câu lạc bộ trẻ khuyết tật, cảm nhận được những tình cảm của bà Phúc dành cho các em. Từ đó đến nay, cô Hồng gắn bó, dạy múa cho các em trong mái ấm của bà Phúc. “Tôi cảm thấy rất vui, khi các cháu có thể làm được một động tác múa nào đấy theo hướng dẫn. Tuy không thể làm được ngay như những đứa trẻ bình thường, nhưng tôi cảm nhận được ý chí của các cháu. Từ đó, tôi càng có thêm động lực để làm nhiều điều hơn nữa, giúp các cháu có thể từng bước hòa nhập với cộng đồng”, cô Hồng chia sẻ.

Với những đóng góp tích cực của mình, năm 2018, bà Phan Thị Phúc vinh dự được nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia, là tấm gương sáng cho cộng đồng xã hội, nhất là thế hệ trẻ noi gương, học tập. Gần 80 tuổi, bà Phúc chẳng biết mình sẽ múa hát được với lũ trẻ đến bao giờ. Bà chỉ mong sao mình đủ sức khỏe và tìm được người viết tiếp ước mơ còn dang dở của mình là giúp đỡ thật nhiều những đứa trẻ kém may mắn, để chúng trở thành người có ích cho xã hội.