Sáng tạo từ tranh dân gian

Tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân, nhưng Nguyễn Ngọc Diệp lại lập nghiệp bằng việc vẽ tranh dân gian lên mẹt tre. Những sáng tạo của cô gái sinh năm 1993 này đã giúp sản phẩm có chỗ đứng riêng trên thị trường.

Nguyễn Ngọc Diệp với những tác phẩm vẽ tranh trên mẹt của mình.
Nguyễn Ngọc Diệp với những tác phẩm vẽ tranh trên mẹt của mình.

Nguyễn Ngọc Diệp, trú tại đường An Dương Vương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Diệp mê vẽ tranh từ bé, nhưng chưa bao giờ cô nghĩ mình sẽ lập nghiệp bằng tranh. Đầu năm 2017, có người bạn nhờ vẽ tranh dân gian lên chiếc mẹt tre để trang trí nội thất tre trúc cho một ngôi nhà. Sau khi hoàn thành, Diệp đăng lên Facebook. Cô rất bất ngờ vì nhận được nhiều phản hồi tích cực. Cô gái trẻ nảy ra ý tưởng vẽ tranh lên những chiếc mẹt tre và bắt đầu thử nghiệm.

Diệp dành thời gian tìm hiểu bố cục, sắc mầu tranh Đông Hồ rồi vẽ thử. Đề tài tranh Đông Hồ phong phú, thường được in trên khổ giấy chữ nhật. Mẹt tre lại hình tròn. Diệp đã phải chỉnh sửa bố cục, đường nét, thậm chí cắt bớt những chi tiết thừa sao cho bức tranh vẫn giữ đúng “chất” tranh dân gian, mà vẫn phù hợp với chiếc mẹt tre. Vẽ thành công, nhưng đầu ra cho sản phẩm thì sao? Diệp tìm hiểu thì nhận thấy, trên thị trường từ lâu đã có mặt nạ mẹt vẽ theo các nhân vật trong nghệ thuật tuồng, còn tranh trên mẹt thì chưa ai làm. Với mặt nạ mẹt, các sắc thái tình cảm của nhân vật thể hiện đa dạng. Song, nghệ nhân chỉ vẽ theo mẫu cũ cho nên không hấp dẫn khách hàng. Phát hiện ra đây là một thị trường tiềm năng, Diệp chính thức chuyển hướng tự tay mình làm các sản phẩm tranh dân gian, mặt nạ trên chất liệu truyền thống là chiếc mẹt tre.

Những bất ngờ nối tiếp xuất hiện sau khi Diệp đăng tin bán hàng trên mạng. Nhiều gia đình trang trí nội thất kiểu truyền thống muốn có những nét tươi mới trong trang trí, họ rất thích những mẫu tranh dân gian Đông Hồ của Diệp với các đề tài như: Vinh hoa, Phú quý, Cá chép trông trăng, Lợn đàn, Đám cưới chuột... Một số bức tranh treo đơn, treo đôi, một số được Diệp nối lại thành chuỗi, rất hợp khi treo hai bên cửa ra vào, hay cột những ngôi nhà kiểu cổ. Tuy là những đề tài cũ, nhưng những bức tranh lại có sự mới mẻ, sáng tạo bởi mầu sắc và nhất là sự độc đáo, gợi cảm giác về thôn quê. Nhiều khách du lịch cũng tìm đến sản phẩm của Diệp. Đối với sản phẩm mặt nạ mẹt, Diệp không dừng lại ở những mẫu cổ truyền.

Cô nghiên cứu, sáng tạo thêm hàng chục mẫu mới, với hàng trăm sắc thái biểu cảm, phù hợp nhu cầu của nhiều lớp người khác nhau, nhất là giới trẻ. Cô cũng thay râu, tóc trang trí của mặt nạ bằng chất liệu len, mềm mại hơn, đẹp mắt hơn. Thương hiệu tranh mẹt tre ngày càng được nhiều người biết đến. Lễ, Tết là dịp Diệp bận bịu nhất. Nhiều trường học, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hướng về nguồn có đặt hàng tranh mẹt tre, mặt nạ mẹt tre với số lượng lớn để phục vụ cho trang trí. Mức giá từ 50 nghìn đến 300 nghìn đồng mỗi bức tranh hay mặt nạ tùy thuộc kích cỡ, độ khó, phù hợp túi tiền của nhiều người tiêu dùng.

Nguyễn Ngọc Diệp chia sẻ: “Em thấy tranh dân gian có vẻ đẹp có thể khai thác trong cuộc sống. Cùng với sự sáng tạo, em luôn đề cao sự chỉn chu trong từng nét vẽ, để người mua cảm nhận được sản phẩm của mình là cả sự đầu tư công sức. Chính điều này giúp tranh của em thành công, dù mặt nạ mẹt của em “sinh sau đẻ muộn” hơn so với những người khác”. Với lượng khách hàng tăng dần, Diệp đang chuẩn bị mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn với Diệp chính là làm sao tuyển được những người thợ ham mê, có trách nhiệm, cẩn thận trong từng nét vẽ. Thành công của Nguyễn Ngọc Diệp chính là thành công của một người trẻ dám dấn thân bằng đam mê và trách nhiệm.