Những người “đưa đò” qua sông “cạn”

Ngoài 50, 60 tuổi, thay vì nghỉ ngơi, hưởng tuổi già, những người lính dân phòng phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) lại tình nguyện ngày ngày túc trực trước cổng trường, điều tiết giao thông, đưa các cháu học sinh qua đường an toàn.
Thành viên Tổ dân phòng phường Trung Sơn Trầm đưa các em học sinh qua đường sau giờ tan học.
Thành viên Tổ dân phòng phường Trung Sơn Trầm đưa các em học sinh qua đường sau giờ tan học.

Khi tiếng trống Trường tiểu học Trung Sơn Trầm vang lên, học sinh từ các lớp ùa ra cổng trường cũng là lúc ba người đàn ông nhỏ nhắn khoác trên mình bộ quân phục bạc mầu xuất hiện làm nhiệm vụ đưa lũ trẻ sang đường. Gần bảy năm qua, công việc này đã được ba cán bộ dân phòng, gồm ông Nguyễn Xuân Chiến (52 tuổi), ông Nguyễn Văn Lăng (58 tuổi) và ông Vũ Văn Quang (66 tuổi) đảm nhận.

Quốc lộ 21A, đoạn qua cổng Trường tiểu học Trung Sơn Trầm được thi công mở rộng nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Đường khá hẹp, nhiều ổ voi, ổ gà, lượng phương tiện qua lại lớn, chạy tốc độ nhanh, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đối với các cháu học sinh là rất lớn. Đây cũng là nỗi lo thường trực của các phụ huynh không có điều kiện đưa đón con đi học hằng ngày. “Năm 2011, Đảng ủy, UBND phường Trung Sơn Trầm đã họp bàn biện pháp giải quyết và thống nhất cử lực lượng thường trực tại cổng trường để đưa đón các cháu qua đường mỗi ngày. Tôi cùng hai đồng chí liền xung phong nhận nhiệm vụ, lập tổ bảo vệ túc trực tại cổng trường” - ông Chiến, Trưởng ban Dân phòng phường Trung Sơn Trầm cho biết.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, đều đặn vào lúc 7 giờ, 10 giờ 35 phút và 16 giờ 30 phút, các ông lại có mặt tại cổng trường để đưa các cháu học sinh qua đường. “Chúng tôi đến trước 30 phút để hướng dẫn cho cha mẹ học sinh đón con. Chúng tôi phân công nhau, hai người đứng bên này đường, một người đứng bên kia đường. Hai người ra hiệu cho phương tiện giao thông giảm tốc độ, còn tôi trực tiếp đưa các cháu qua đường” - ông Quang, Thiếu tá quân đội về hưu cho biết. Hình ảnh ba người đàn ông tận tụy đưa các cháu qua lại giữa dòng xe cộ đã trở nên quen thuộc với những người thường qua lại trên tuyến đường này. Mọi người trìu mến gọi họ là “người đưa đò qua sông cạn”. Gần bảy năm nay, chưa có em học sinh nào mảy may xây xước chân tay vì va chạm giao thông.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh khi đưa con đi học vẫn chưa coi trọng an toàn tính mạng của chính mình và người thân. Vì vậy, cùng với việc trực tiếp đưa trẻ sang đường, các ông cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh khi đến đón các con phải có ý thức về trật tự văn minh đô thị để bảo đảm an toàn cho các cháu nhỏ.

Ba bác dân phòng được Hội phụ huynh nhà trường hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, nhẩm tính ra mỗi giờ làm việc của bác chỉ được bồi dưỡng 15 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi nhưng chưa bao giờ làm giảm sự tận tâm vì các cháu học sinh. Sau những buổi trưa hè mồ hôi ướt đầm lưng áo, dầm mình giữa cơn gió rét trong ngày đông lạnh, quần áo ướt sũng khi trời mưa…, nhìn những khuôn mặt trẻ thơ rạng rỡ không ngừng ríu rít như lũ chim non đến trường mỗi ngày, mọi mệt mỏi của các bác đều tiêu tan hết.

Trong số ba người, ông Chiến là người vui tính hơn cả, lúc nào cũng tếu táo, đùa nghịch với học sinh. Ông Chiến từng đi bộ đội nhưng rồi giải ngũ vì mất sức. Ba năm trước, phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi, thế nhưng ông Chiến đã sống và gần như quên mất mình bị ung thư. “Lúc nào mệt, tôi vào Bệnh viện Bạch Mai truyền hóa chất, khỏe rồi lại về dẫn các cháu học sinh qua đường” - ông Chiến chia sẻ.

Gần bảy năm qua, đã có bao thế hệ học sinh của Trường tiểu học Trung Sơn Trầm lớn lên rồi ra trường, nhưng ba người bảo vệ dân phòng ấy vẫn cần mẫn với công việc của mình năm này qua tháng khác. Các bác chỉ có một mong muốn duy nhất là tuyến đường được đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt các biển báo giao thông để bảo đảm an toàn cho người dân và các cháu học sinh nơi đây.