GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Người hồi sinh rối cạn Lộc Hòe

Ở thôn Lộc Dư, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội, nhắc đến Đội rối cạn Lộc Hòe (tên viết tắt từ hai thôn của xã là Lộc Dư và Hòe Thị), người ta thường nói nhiều đến ông Nguyễn Hữu Y, người đã góp phần hồi sinh nghề rối cạn đặc sắc.

Ông Nguyễn Hữu Y với con rối do mình làm.
Ông Nguyễn Hữu Y với con rối do mình làm.

Ông Nguyễn Hữu Y sinh năm 1953, tại thôn Lộc Dư, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, đây cũng là thời điểm Đội rối cạn Lộc Hòe chính thức được thành lập. Tuổi thơ của ông gắn liền với những trò chơi con trẻ và nhất là những đêm đội rối biểu diễn phục vụ người dân. Ông vẫn nhớ rối cạn có sức lôi cuốn đến kỳ lạ, các con rối qua bàn tay điều khiển điêu luyện của các nghệ nhân lúc thì mềm mại, uyển chuyển, lúc lại kiên quyết, mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục. Không khí rộn rã, tươi vui của những đêm diễn rối cạn đông nghịt khán giả ở làng đã ngấm vào máu thịt khiến cậu bé Y gắn bó và yêu những con rối từ lúc nào không hay... Thế nhưng, bởi nhiều lý do, từ năm 1974, Đội rối cạn Lộc Hòe không còn hoạt động nữa.

Nhiều người trong làng tiếc nuối, ước ao được thưởng thức các tiết mục độc đáo mà đội rối mang lại. Ông Y cũng vậy. Mải mê mưu sinh nhưng trong lòng ông vẫn có những dự định dành riêng cho rối. Sau nhiều tháng ngày trăn trở, suy nghĩ, năm 2003, ông Y quyết định khôi phục lại Đội rối cạn Lộc Hòe. Ông bàn với ông Lê Công Uyển và bà Tạ Thị Tú, những người trong thôn có cùng tâm huyết hồi sinh lại nghề rối, rồi lại kiên trì vận động các cá nhân tham gia. Sau một thời gian, các ông bà đã kết nối được 25 người, trong đó có năm nhạc công, cùng mong muốn làm sống lại bộ môn nghệ thuật truyền thống của địa phương. Do nhiều yếu tố khách quan, đội rối hiện nay còn 20 người, người trẻ nhất đã 32 tuổi và cao tuổi nhất đã 85 tuổi. Đội duy trì chế độ sinh hoạt ba buổi/tháng. Ông Lê Công Uyển (đội trưởng) chịu trách nhiệm sáng tác, ông Nguyễn Hữu Y (đội phó) làm con rối, bà Tạ Thị Tú (Đội phó) biên đạo, may phục trang cho các nhân vật. Các thành viên trong đội tự đóng góp kinh phí để duy trì sáng tác, dàn dựng vở, luyện tập, tổ chức đi diễn…

Không chỉ có vậy, ông Y còn bỏ công sáng tạo các con rối phục vụ biểu diễn. Con rối có thể là những nhân vật đời thường hoặc các con vật gần gũi với đời sống, điều quan trọng là khuôn mặt của chúng phải thật sự biểu cảm, thân mình dễ dàng điều khiển để tạo thành các cử động, tư thế khác nhau. Từ một cánh tay của con rối còn lưu giữ được, ông mày mò, tìm cách để làm ra các con rối mới. Hằng ngày, ông Y “đánh vật” với giấy, xi-măng, đất sét, bột đá... để tạo hình các nhân vật. Kinh phí để tạo ra mỗi con rối khoảng hai triệu đồng (trong đó chủ yếu là của ông Y), nhưng cũng không biết bao nhiêu lần ông làm xong rồi lại phải bỏ sản phẩm vì chưa ưng ý. Kiên trì, nhẫn nại ngày qua ngày, với đôi tay tài hoa và sự tâm huyết, cuối cùng ông cũng đã thành công. Những con rối sống động đã được hồi sinh để đảm nhiệm sứ mệnh của mình.

Tuy phải tự túc hoàn toàn kinh phí từ sáng tác kịch bản, dàn dựng vở, tạo hình nhân vật đến trang phục biểu diễn, nhưng với tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật rối, những “nghệ sĩ vườn” như ông Y tự nhận, đã làm được nhiều điều đáng ghi nhận. Mỗi năm, đội rối tổ chức từ tám đến mười buổi biểu diễn phục vụ người dân nhân dịp đầu năm mới, hội làng, các ngày kỷ niệm của đất nước. Nhiều vở diễn như: Dưa vàng đậu bạc, Trí khôn của ta đây, Quê ta mở hội, Thằng chết cãi thằng khiêng… luôn bám sát hơi thở cuộc sống, rối Lộc Hòe đã được nhân dân quan tâm, đón nhận nhiệt tình. Mỗi vở, phải tập luyện từ một tuần đến cả tháng, nhưng tất cả thành viên trong đội đều rất nhiệt tình, trách nhiệm. Không chỉ phục vụ bà con địa phương, rối Lộc Hòe đã tích cực tham gia liên hoan múa rối trong nước và quốc tế.

Rối Lộc Hòe đã được khôi phục, phát huy giá trị trong cuộc sống, được bà con đón nhận nhiệt tình. Trong bộn bề mưu sinh của cuộc sống hằng ngày, ông Y vẫn luôn dành tình yêu cho rối và mong bộ môn nghệ thuật đặc sắc này ngày càng phát triển.