Nghị lực của người phụ nữ khiếm thị

Chị Đỗ Thúy Hà (trong ảnh) - Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, là một phụ nữ giàu nghị lực. Chị là người khiếm thị duy nhất vinh dự trở thành một trong chín Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2016.

Nghị lực của người phụ nữ khiếm thị

Năm 2 tuổi, đôi mắt của Đỗ Thúy Hà (sinh năm 1981) bắt đầu mờ dần, cho đến năm 7 tuổi, cô gái nhỏ mất hoàn toàn khả năng nhìn và phải chuyển sang học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Mẹ Hà phải xin nghỉ làm để đảm nhiệm việc chăm lo, đưa đón con đi học. Đến với ngôi trường dành cho học sinh cùng cảnh ngộ, Đỗ Thúy Hà bớt rụt rè, cởi bỏ sự tự ti, hòa vào nhịp sinh hoạt, học tập cùng các bạn. Không chỉ chăm chỉ học tập, Thúy Hà còn học thêm các môn năng khiếu. Qua đó, Hà biết chơi nhiều loại nhạc cụ như: trống, đàn oóc-gan, đàn tranh.

Nhớ về những năm tháng tuổi thơ, Đỗ Thúy Hà tâm sự, Trường Nguyễn Đình Chiểu là ngôi nhà lý tưởng cho những đứa trẻ đặc biệt như chị. “Ngày ấy, chúng tôi không chỉ được học chữ, mà còn được học hầu hết thứ gì mình muốn, được truyền cảm hứng sống lạc quan, tích cực. Nhà ở quận Đống Đa, cách trường không xa, nhưng tôi xin nội trú tại trường. Phần vì yêu mến và xem đó như ngôi nhà của mình, phần vì buổi tối, tôi có cơ hội được tham gia nhiều hoạt động bổ ích trong các buổi sinh hoạt tại trường”, chị Thúy Hà chia sẻ. Được định hướng, động viên từ thầy giáo, cô giáo và cha mẹ, Thúy Hà luôn nỗ lực học tập, phấn đấu hết mình để đạt được thành tích tốt nhất. Bản thân chị luôn tâm niệm, mình khiếm khuyết là thiệt thòi, nhưng không vì vậy mà sống ỷ lại.

Với suy nghĩ đó, chị không ngừng học tập. Không còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng ngoài đời, nhưng Thúy Hà bắt nhịp với ánh sáng tri thức rất nhanh. Chị càng học càng ham, càng học càng tiến bộ. Giáo trình chữ nổi cho người khiếm thị chưa có, để hiểu bài, chị phải chăm chú, nghe như nuốt từng chữ của thầy giáo, cô giáo. Những kiến thức nào chưa kịp hiểu hết, chị mượn lại sách vở của bạn bè rồi nhờ người nhà đọc cho nghe. Với môn tiếng Anh, Thúy Hà thường nhờ các anh chị tình nguyện viên đọc hoặc gõ vào máy tính để nghe lại qua phần mềm trên in-tơ-nét.

Công sức của cô gái đầy nghị lực cũng được đền đáp. Năm 2000, chị là người khiếm thị duy nhất dự thi Ô-lim-pích tiếng Anh toàn miền bắc do UNESCO tổ chức và đoạt giải ba. Năm 2004, Thúy Hà thi đỗ vào Đại học Mở Hà Nội. Sau đó một năm, Đỗ Thúy Hà vượt qua 350 thí sinh để trở thành một trong bảy đại diện của bảy nước châu Á - Thái Bình Dương nhận học bổng Duskin du học tại Nhật Bản.

Bước chân sang xứ người, cô gái khiếm thị trải qua vô vàn khó khăn. “Tôi sang Nhật mà chẳng có một ai thân quen, tiếng bản xứ chưa biết, đôi mắt không nhìn thấy gì. Lúc ấy, tôi tự nhủ chỉ chăm chỉ học tập mới có thể cải thiện được tình hình. Chỉ sau hai, ba tuần tôi đã có thể trò chuyện và kết bạn với các bạn, làm quen với việc học tập ở Nhật”.

Sau gần hai năm học tập tại đất nước mặt trời mọc, Đỗ Thúy Hà trở về Việt Nam và hoàn thành nốt chương trình học bảo lưu tại Đại học Mở Hà Nội. Chị tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ cùng phát triển như tham gia dạy tiếng Nhật tình nguyện cho người khuyết tật; lập dự án hỗ trợ học sinh khiếm thị đang theo học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu; vận động ủng hộ mười máy tính cũ cho các sinh viên khiếm thị...

Năm 2012, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Với những kỹ năng, kinh nghiệm có được từ những ngày học tập tại Nhật Bản, chị đã thiết kế nhiều bài giảng, tổ chức các hoạt động học tập, sinh hoạt giúp ích cho cộng đồng người khiếm thị trong quận hội. Chị tổ chức nhiều lớp dạy chữ nổi Braille, dạy vi tính, dạy nghề và tổ chức nhiều buổi sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu cho hơn 160 hội viên. Với các hội viên ở những độ tuổi khác nhau, chị lại có những cách tiếp cận và khuyến khích riêng.

Không chỉ giỏi việc nước, Đỗ Thúy Hà còn là người vợ đảm, người mẹ hiền. Chị có một gia đình hạnh phúc, một người chồng hiền lành, tâm lý và một cậu con trai 5 tuổi kháu khỉnh. Chị tâm sự: “Tôi rất thương con trai. Ở tuổi của cháu, đáng lẽ tôi phải là người bao bọc, dẫn dắt con, nhưng từ khi hai tuổi, con đã phải biết dắt mẹ khi ra đường. Vì thế, ngoài công việc của hội, tôi dành hầu hết thời gian còn lại để chăm sóc cho gia đình. Tôi nỗ lực hết mình để chồng và con tôi cũng được hưởng sự chăm sóc chu đáo như từ một người mẹ, người vợ bình thường”.