GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Lan tỏa hương vị cà-phê Việt

Quán Cà-phê Giảng (phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm trong khu vực phố cổ. Lối vào quán chật hẹp tới độ khách trong quán bước ra thì người vào phải nhường lối.

Du khách nước ngoài thưởng thức cà-phê trứng Giảng.
Du khách nước ngoài thưởng thức cà-phê trứng Giảng.

Thế nhưng, từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, các bàn đều có khách. Khách hàng đủ mọi lứa tuổi, trong đó có không ít khách du lịch nước ngoài. Hầu hết khách hàng đến đây đều chọn cà-phê trứng, một thứ đồ uống làm nên thương hiệu của quán, để thưởng thức.

Ông Nguyễn Trí Hòa, chủ quán cho biết, món cà-phê trứng do cụ Nguyễn Văn Giảng, thân sinh ra ông Hòa sáng tạo vào năm 1946. Thời điểm đó, cụ Hòa là nhân viên pha chế tại khách sạn 5 sao Sofitel Metropole Hà Nội. Thấy capuchino của Pháp là thức uống ngon, nhưng nguyên liệu chế biến đắt đỏ, cho nên cụ Hòa muốn tạo ra một đồ uống khác hấp dẫn, nhưng giá bình dân hơn. Món cà-phê trứng đã ra đời như vậy. “Cà-phê, nhất là cà-phê trứng gắn bó với tôi như hơi thở, bởi khi tôi lọt lòng, nó đã ra đời trước đó cả chục năm rồi”, ông Hòa kể về lịch sử hình thành thứ đồ uống do cha mình sáng tạo nên. Ông Hòa bảo, sở dĩ món cà-phê trứng của quán nhà ông có sự khác biệt so với các quán khác, là bởi các nguyên liệu chế biến đều được lựa chọn rất kỹ lưỡng và công phu. Các thành phần cũng được pha chế theo một lượng vừa phải, đủ để nổi bật vị béo ngậy của trứng gà, hương thơm của cà-phê quện với vị ngọt của sữa.

Trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, một cán bộ của UBND thành phố Hà Nội đã đến quán Cà-phê Giảng cho biết, món cà-phê trứng của gia đình ông được đưa vào thực đơn phục vụ các nhà báo tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí quốc tế. Tổng số cốc cà-phê trong ba ngày (từ ngày 26 đến 28-2) là 3.000 cốc, mỗi ngày có 1.000 cốc, chia làm ba ca phục vụ. Cảm thấy rất vinh dự, tự hào vì được giới thiệu đồ uống đặc sắc của gia đình với bạn bè năm châu, nhưng ông Hòa không khỏi lo lắng về trọng trách được giao. Cả gia đình ông gồm: vợ chồng, con gái, con rể và sáu nhân viên tất bật chuẩn bị nguyên liệu cho sự kiện trọng đại này. Trong ba ngày diễn ra hội nghị, ông Hòa thức trắng đêm xay cà-phê để đúng 8 giờ sáng hôm sau, những cốc cà-phê thơm ngon của quán có mặt trên bàn của thực khách. “Tất cả cà-phê đều do tôi lựa chọn và tự tay rang xay kỹ lưỡng. Trứng, phô-mai, sữa được chọn lựa từ những nhà cung cấp uy tín nhất. Việc pha chế do con gái và con rể tôi đảm nhiệm. Không chỉ làm cẩn thận để cà-phê thơm ngon, mà còn phải bảo đảm tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm, không thể vì làm nhiều mà ẩu được”, ông Hòa nói.

Trong những ngày diễn ra cuộc gặp gỡ của hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, nhiều tuyến đường tại Hà Nội bị hạn chế phương tiện lưu thông, trong khi gia đình ông Hòa chỉ có ba người có thẻ ra vào trung tâm báo chí. Con gái và con rể đảm nhiệm công việc phục vụ tại trung tâm, cho nên ông Hòa ngày ba lần một mình vận chuyển thức uống từ nhà đến địa điểm này. “Dịp đó, khách nước ngoài đến quán cũng đông hơn bình thường. Vất vả nhưng rất vui và tự hào”, bà Nguyễn Thị Mậu, vợ ông Hòa chia sẻ. Để vừa hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao, vừa bảo đảm việc kinh doanh của cửa hàng, ông Hòa đã phải nhờ các cháu của mình tạm nghỉ việc để đến quán phụ giúp.

Với những đóng góp của mình cho thành công của Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, ông Nguyễn Trí Hòa đã vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen và phần thưởng. Ông Hòa hào hứng nói: “Nếu một dịp nào đó lại được chọn để góp sức phục vụ các sự kiện, hội nghị lớn của thành phố, của đất nước, gia đình tôi rất sẵn sàng”. Hiện tại, ông Hòa đã mở thêm một chi nhánh cà-phê Giảng tại Nhật Bản. Chủ quán mong muốn, qua hương vị món đồ uống đặc sắc này, bạn bè và khách du lịch trên thế giới biết đến, trân quý Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam nhiều hơn.