Gửi gắm tình cảm đến đồng bào miền trung

Hàng nghìn chiếc bánh chưng, hàng tấn quần áo, nhu yếu phẩm, nước sạch,... trên những chuyến xe mang tấm lòng của người Thủ đô đang tiến thẳng vào miền trung.

"Quảng Bình, bao mến thương. Ðã 10 năm rồi, quê ta bao đổi thay rồi. Từ biển xanh, đến rừng núi xanh",... chị Nguyễn Thị Thùy, 46 tuổi, tay xếp bánh chưng vào túi, miệng hát vang. Hát xong một câu, chị lại ngắt nghỉ, để hàng chục người quanh mình hát "Khoan khoan hò khoan!". Tiếng hát của những người già, người trẻ rộn một góc hè ngõ 54, phố Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Phía trên lưng họ, tấm biển "Ðiểm gói bánh chưng ủng hộ đồng bào miền trung" treo ngay ngắn. Từ ngày 20 đến ngày 23-10, hoạt động ý nghĩa này đã diễn ra, dưới sự góp sức của hàng trăm tình nguyện viên từ khắp nơi.

Sáng 23-10, tình cờ lướt mạng xã hội, thấy có hội thiện nguyện gói bánh chưng để ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ lụt ở điểm trên, chị Thùy nói với cô ruột: "Nhà mình chuyên làm các loại bánh truyền thống, cô cháu mình đến giúp họ một tay". Sau bữa cơm trưa cùng ngày, hai cô cháu chị Thùy đèo nhau gần 20 km từ huyện Gia Lâm đến quận Cầu Giấy bằng xe máy. Nhưng đến nơi, mẻ bánh cuối cùng đã sắp xong. "Không gói, không nấu được thì ta làm việc khác", họ nói, rồi xắn tay áo, lao vào đóng gói những chiếc bánh chưng cho đẹp.

Cạnh cô cháu chị Thùy, bà Nguyễn Thị Thành, 68 tuổi, người phường Dịch Vọng tay cầm kéo, tỉ mỉ sửa cho vuông vắn từng chiếc bánh. Sáng 22-10, khi đi thể dục buổi sáng, thấy các ông, các bà trong khu ngồi gói bánh, bà cũng vào làm cùng. "Tôi quê ở Thái Bình, mấy năm nay mới lên chăm cháu ở đây. Miền trung đang mưa lũ, mình không có của thì góp công, mong bà con trong đó đỡ vất vả", bà Thành nói. Vì thạo việc, bà Thành tham gia khâu vo gạo, đãi đỗ, bẻ lá rồi gói bánh.

Hai ngày liền, nghe đến hoạt động gói bánh ủng hộ đồng bào miền trung, anh Lê Minh Lợi, 42 tuổi, ở phố Nguyễn Xiển nghỉ làm để tham gia. Cả ngày ở chỗ làm bánh, đến cuối giờ chiều, anh vòng về gần nhà đón con trai 9 tuổi, rồi hai bố con cùng quay lại nơi gói bánh. Sẩm tối, một góc vườn hoa trong ngõ 54, phố Dịch Vọng bập bùng ánh lửa. Sáu nồi bánh chưng đang sôi sùng sục trên bếp. Vây quanh, hàng chục người đang chẻ củi, thổi lửa. Con trai anh Lợi được bố hướng dẫn bê củi, cho vào bếp. "Tôi muốn con học cách san sẻ với người khác và dạy con ngoài kia còn nhiều người khó khăn hơn mình, phải biết trân trọng cuộc sống đầy đủ hiện tại", anh nói.

Anh Nguyễn Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên phường Dịch Vọng, cho biết: "Hoạt động này do chị Hoàng Hương, chủ một phòng khám nha khoa trên địa bàn ủng hộ mọi chi phí. Tôi kêu gọi bạn bè, các tổ chức, các bạn sinh viên cùng tham gia. Ngày cao điểm, có hơn 130 người tham gia gói bánh". Dự kiến ban đầu nhóm gói 2.000 chiếc bánh. Tuy nhiên, do nhân lực tình nguyện lớn, nhiều người ủng hộ thêm gạo, đỗ... cho nên lượng bánh đã lên tới 5.000 chiếc. Ngoài ra, giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy và một số nhà hảo tâm biết đến điểm thiện nguyện cũng ủng hộ thêm quần áo, nhu yếu phẩm, nước sạch…

Trong bốn ngày gói bánh chưng, anh Lâm ấn tượng nhất là đoàn tình nguyện ở Hòa Bình. Họ đều là nông dân, đọc được tin tức trên mạng xã hội cho nên thuê xe xuống gói bánh. Hơn 20 người ngồi từ 6 giờ sáng đến chiều muộn mới lên xe về. Một nhóm bạn trẻ cũng tình nguyện thức ba đêm liền để canh bánh chưng. Có bà cụ ở Nhổn bắt xe lên tận phường Dịch Vọng đãi đỗ, gói bánh đến 12 giờ đêm. Thế nhưng, 6 giờ sáng hôm sau, các tình nguyện viên trẻ tuổi đã thấy bà có mặt. "Ai cũng muốn góp chút công sức chia sẻ với những khó khăn của đồng bào miền trung đang chống chọi với lũ lụt", anh Lâm nói.

Tại điểm nấu bánh, bánh chưng khi chín được vớt để ráo, bày ra tấm bạt lớn cho nguội trước khi đóng gói, ép, hút chân không. Ðể bảo đảm chất lượng bánh khi đến tay bà con, ngay khi hút chân không xong, các tình nguyện viên lập tức đưa bánh vào xe đông lạnh. Những chiếc không đạt yêu cầu cũng được phân loại để bỏ ra ngoài. Bà Thành ngồi sắp xếp hàng trăm chiếc bánh chưng, cái lớn, cái bé, cái vuông, cái còn méo mó vào túi. Thỉnh thoảng, bà chỉnh lại chiếc bánh cho vuông vức. "Có hàng trăm người gói, người thạo, người không. Có cả các cháu học sinh, sinh viên chưa bao giờ gói cũng muốn góp sức, thế nên bánh không đều nhau. Tuy cái đẹp, cái xấu, nhưng tấm lòng của người dân Thủ đô đều tròn trịa. Tôi mong bà con miền trung khi ăn bánh sẽ cảm nhận tình cảm của người dân Thủ đô"- bà Thành chậm rãi nói.