Cô gái đam mê nghề mộc

Không chỉ biến những mẩu gỗ vụn thành những món đồ chơi và dụng cụ học tập cho trẻ em, cô gái trẻ đam mê nghề mộc Nguyễn Thị Hảo còn dành tặng rất nhiều đồ chơi cho trẻ em nghèo.

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Hảo đang làm các sản phẩm đồ chơi cho trẻ em từ những mẩu gỗ thừa.
Cô gái trẻ Nguyễn Thị Hảo đang làm các sản phẩm đồ chơi cho trẻ em từ những mẩu gỗ thừa.

Sinh ra ở xã Liên Hà (huyện Ðan Phượng, Hà Nội), vùng quê có truyền thống làm nghề mộc, từ bé Nguyễn Thị Hảo đã biết phụ bố đóng đinh, giữ gỗ, bào đục… những chi tiết nhỏ. Lớn lên, Hảo học Trường đại học Kiến trúc. Ra trường, cô có việc làm ổn định với mức lương khá cao. Mặc dù xuất thân từ làng nghề, biết thiết kế và làm đồ chơi cho trẻ em từ hồi còn học đại học, nhưng việc đột nhiên Hảo chuyển hẳn sang làm nghề mộc vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Bởi thông thường phụ nữ hay theo các nghề nhẹ nhàng, chứ mấy ai theo nghề nặng nhọc như nghề mộc. Hơn nữa Hảo lại có vóc dáng mảnh mai, cô chỉ nặng khoảng 40 kg. Tuy nhiên, với Hảo, sáng tạo từ những mẩu gỗ là đam mê.

Hảo cho biết: "Hồi bé khi quan sát bố làm việc, em thấy nghề mộc là sự kết hợp giữa khoa học, kỹ thuật và cả nghệ thuật nữa, cho nên em rất say mê. Quê em có nghề mộc cho nên có rất nhiều gỗ vụn. Thay vì làm các sản phẩm gia dụng, em tận dụng gỗ vụn để tạo nên các sản phẩm nhỏ xinh, nhất là dụng cụ học tập, đồ chơi cho các em nhỏ". Còn một lý do nữa khiến Hảo quyết tâm gắn bó với nghề mộc là bố Hảo bị tai biến nhiều năm nay. Ông không thể tiếp
tục với nghề nữa, nhưng ông vẫn thích nghe tiếng bào, tiếng đục. Thấy con gái nối nghiệp mình, ông đã rất vui. Khi Hảo mới bắt tay vào nghề mộc, chồng cô cũng không tin vợ sẽ thành công. Nhưng anh đã ngạc nhiên khi Hảo cho xem những món đồ xinh xắn. Lúc đó, anh mới ủng hộ vợ gắn bó với nghề.

Ðược đào tạo bài bản về kiến trúc, cho nên thế mạnh của Hảo là thiết kế. Từ những mẩu gỗ nhỏ, bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, chỉ bằng vài nét vẽ, Hảo nhanh chóng biến mẩu gỗ thành một con khủng long, một con chim cánh cụt hay chú voi... Sau đó đến đoạn thi công. Hảo sử dụng thành thạo cưa, bào, đánh giấy ráp… bằng máy. Tay cô thoăn thoắt cầm đục lược đi những chi tiết thừa theo thiết kế để tạo nên sản phẩm. Có sản phẩm hoàn thiện tỉ mỉ, Hảo tiếp tục sơn mầu cho sinh động. Nhưng cũng có sản phẩm Hảo tác động ở mức tối thiểu lên những mẩu gỗ, khiến những con vật như con lợn, con thỏ… trông mộc mạc và ngộ nghĩnh. Hảo cũng đóng nhiều đồ nội thất gia đình như kệ sách, bàn ghế học tập… với phong cách độc đáo. Cô đã nhận được khá nhiều đơn hàng, nhất là từ các trường mầm non. Hảo rất vui vì sản phẩm của mình còn giúp mọi người nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường bằng cách tận dụng vật liệu bỏ đi, sử dụng vật liệu tái chế.

Nguyễn Thị Hảo sinh năm 1992, đến nay, Hảo đã 5 năm gắn bó với nghề mộc. Cô gái này còn có tấm lòng nhân hậu đáng quý. Những đồ chơi từ mẩu gỗ đã được Hảo đem đến những vùng sâu, vùng xa, đến các trung tâm trẻ mồ côi để tặng các em nhỏ. Hảo cho biết: "Trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. Ngay cả những đồ chơi đơn giản các em cũng không có. Bởi vậy, em đã nhiều lần đem tặng các bạn nhỏ ấy đồ chơi. Khi đem tặng các bạn đồ chơi, nụ cười của các em nhỏ là động lực để em tiếp tục công việc".