Chắp cánh cho thương hiệu “Bưởi tôm vàng Ðan Phượng”

Vài năm gần đây, trong số các loại hoa quả đặc sản của Hà Nội có thêm thương hiệu “Bưởi tôm vàng Ðan Phượng”. Người có công chắp cánh cho thương hiệu này là anh Nguyễn Duy Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thượng Mỗ, huyện Ðan Phượng.

Anh Nguyễn Duy Mạnh (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu sản phẩm bưởi tôm vàng đến người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Duy Mạnh (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu sản phẩm bưởi tôm vàng đến người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Duy Mạnh có hoài bão làm giàu từ đồng đất quê hương. Thực hiện chủ trương của xã về phát triển kinh tế, chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, nhận thấy thổ nhưỡng của Thượng Mỗ phù hợp loại bưởi ngọt, anh Mạnh đã mạnh dạn sử dụng năm sào đất để trồng bưởi tôm vàng. Giống bưởi này vốn có nguồn gốc từ vùng Diễn, nhưng khi bén rễ trên đất xã Thượng Mỗ lại cho loại quả thơm lành với múi to, tép vàng tươi, vị ngọt thơm hấp dẫn. Năm 2013, bưởi tôm vàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Bưởi tôm vàng Ðan Phượng”. Vừa trồng, vừa nghiên cứu, chăm sóc, anh Mạnh đã có vườn bưởi tốt tươi, sum suê trái ngọt, giúp đời sống kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định.

Sau khi được bầu làm Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thượng Mỗ, phụ trách các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, năm 2016, anh Mạnh tham mưu với UBND xã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ với 35 hội viên. Ðây là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm hay trong trồng và chăm sóc bưởi. Ðược bầu là Chủ nhiệm CLB, anh Mạnh đã dành nhiều tâm huyết, tình yêu của mình cho cây bưởi, cũng như phát triển kinh tế của địa phương, tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Ðến nay, đã có chín lớp tập huấn được tổ chức, được hội viên đánh giá cao bởi tính hiệu quả, thiết thực.

Ðể cây bưởi phát triển bền vững, trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của địa phương và hỗ trợ hội viên có thêm kiến thức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang bưởi, anh Mạnh thường xuyên tổ chức cho hội viên tham quan học tập, tiếp nhận những kiến thức, kỹ thuật mới, những mô hình sản xuất có hiệu quả ở xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ), mô hình cây giống tại Văn Giang (tỉnh Hưng Yên)... Anh Mạnh còn đề xuất với lãnh đạo xã mời các chuyên gia về phổ biến kiến thức kỹ thuật cho hội viên CLB, qua đó giúp các hội viên áp dụng vào thực tế, trong đó có việc tác động để tăng năng suất cây bưởi. Ðồng thời tích cực tham gia các hội chợ, gian hàng giới thiệu sản phẩm để quảng bá, tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân. Bên cạnh đó, anh Mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăm sóc bưởi, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà áp dụng các hình thức thủ công, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng, vừa hạn chế tác hại đến môi trường đất, nước.

Hiện nay, CLB Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ đã có 58 hội viên. Diện tích trồng bưởi trong xã đã đạt 106 ha. Giống bưởi này đã chinh phục khách hàng ở thị trường Hà Nội và các địa phương trong nước, giúp đời sống của các hộ dân ngày càng phát triển. Hai năm qua, CLB Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 6 triệu đồng.

Anh Nguyễn Duy Mạnh đã được UBND huyện Ðan Phượng tặng giấy khen vì có thành tích trong phát triển kinh tế địa phương. Nhưng với anh, niềm vui lớn nhất chính là sự phát triển của cây bưởi ở đồng đất quê nhà và đời sống của người nông dân khấm khá hơn từ việc trồng bưởi.