Gương sáng, việc hay

Cầu nối giữa chính quyền với đồng bào Công giáo

Với hơn 15 nghìn giáo dân, huyện Thanh Oai là địa bàn có số người Công giáo lớn thứ ba trên địa bàn TP Hà Nội. Thời gian gần đây, Thanh Oai đang nỗ lực để trở thành huyện nông thôn mới. Trong thành tích chung đó, có đóng góp không nhỏ của đồng bào Công giáo, mà người làm “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với bà con chính là Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Thích (ảnh).

Cầu nối giữa chính quyền với đồng bào Công giáo

Ông Thích là một giáo dân sinh ra ở xứ đạo Bích Hòa (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai), từng tham gia quân ngũ, làm công nhân rồi trở về địa phương công tác từ năm 1983. Do nhiệt tình, năng nổ, nhiều năm nay ông được bầu làm Trưởng ban Đoàn kết Công giáo của huyện. Bà con Công giáo trên địa bàn huyện có truyền thống “kính Chúa, yêu nước”, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, huyện Thanh Oai là địa bàn kinh tế thuần nông, xuất phát điểm thấp, cho nên khi xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, trước hết phải vận động bà con giáo dân đổi mới tư duy, coi triển khai nông thôn mới là cơ hội để thay đổi phương thức làm ăn, tiến tới làm giàu. Ông Thích đã phối hợp các linh mục, các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn vận động đồng bào Công giáo thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp, hay đổi mới cung cách làm ăn của các làng nghề. Giáo dân sinh sống tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, cho nên công việc của Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Thanh Oai khá vất vả. Ông Thích phải đi xuống từng địa bàn nắm bắt tình hình làm ăn, từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân.

Vài năm trở lại đây, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thanh Oai diễn ra sôi nổi, 17 xã trên tổng số 20 xã của huyện đã hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhiều điển hình trong đồng bào Công giáo đã xuất hiện. Xã Liên Châu vốn là vùng đất quanh năm ngập úng, từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, Liên Châu đã biến nhược điểm thành ưu điểm. Các hộ gia đình cải tạo ruộng trũng thành ao thả cá, nuôi vịt. Một số hộ chuyển sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Xã có khoảng 100 mô hình kinh tế trang trại có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên. Liên Châu được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, trong đó, có đóng góp không nhỏ của đồng bào Công giáo. Ở xứ đạo Thạch Bích, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cũng ra đời. Điển hình như ông Trùm xứ đạo Thạch Bích Giu-se Nguyễn Văn Vàng. Trang trại vịt - cá của ông mỗi năm thu nhập đến 400, 500 triệu đồng. Cùng với đầu tư sản xuất nông nghiệp, người Công giáo trên địa bàn đã mạnh dạn thành lập những “doanh nghiệp làng”, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Doanh nghiệp may gia công xuất khẩu của gia đình ông Nguyễn Văn Sáng ở giáo họ Phương Trung, doanh nghiệp sản xuất mặt hàng giấy bìa của ông Nguyễn Xuân Ngọc ở giáo họ Từ Châu… Bên cạnh đó, các nghề truyền thống vẫn được duy trì như nghề làm lồng chim ở giáo họ Dân Hòa, làng nghề chuyên sản xuất mặt hàng kim khí ở giáo xứ Đàn Giản…

Ngoài việc vận động giáo dân làm kinh tế, ông Nguyễn Văn Thích còn dành nhiều thời gian động viên, thăm hỏi các gia đình giáo dân có hoàn cảnh khó khăn, những giáo dân mắc bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn; tích cực vận động nhân dân thực hiện phong trào “Xứ, họ đạo tiên tiến” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Với sự vận động, tuyên truyền tích cực của ông Thích, bà con giáo dân huyện Thanh Oai đã cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trung bình hằng năm có hơn 97% số gia đình Công giáo đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 100% trẻ em trong gia đình Công giáo đi học đúng độ tuổi, việc tổ chức tang lễ theo đúng quy định địa phương.