“Bà tiên” của những trẻ nghèo khó

Bà Tạ Thị Ngọc Thanh (trong ảnh), Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, luôn hết lòng với công tác từ thiện, khuyến học của địa phương. Ở tuổi 78, bà vẫn dành dụm lương hưu để đỡ đầu cho 14 đứa trẻ nghèo khó trên khắp mọi miền Tổ quốc.

“Bà tiên” của những trẻ nghèo khó

Tuy là cán bộ về hưu, nhưng thời gian biểu hằng ngày của bà Tạ Thị Ngọc Thanh vẫn khá bận rộn. Công việc của hội khuyến học, công tác từ thiện và những lúc đi lễ Phật chiếm hầu hết thời gian của bà. Bà Thanh tâm sự: “Hơn hai tuổi tôi mồ côi mẹ, 11 tuổi đã không còn cha. Tôi sống nay đằng ngoại, mai đằng nội. Người thân, họ hàng cũng khó khăn, cho nên ngày một buổi đến trường, buổi còn lại tôi lao động để giúp đỡ gia đình. Để có thể học bài, với các môn xã hội, tôi học thuộc ngay tại lớp, các môn tự nhiên, giờ ra chơi tôi thường ngồi trong lớp làm bài. Nhìn thấy những đứa bé nghèo khổ, mồ côi, tôi như trở lại với ký ức tuổi thơ của chính mình”.

Hoàn cảnh sống khó khăn, nhưng trời lại phú cho bà trí thông minh và sự chăm chỉ hơn người. Năm 1969, bà được cử đi học ngành Tâm lý giáo dục tại Trường đại học sư phạm Gersen, ở TP Lê-nin-grat (Liên Xô cũ). Năm 1974, bà tốt nghiệp loại xuất sắc và về nước công tác tại Ban Tâm lý, Viện Khoa học giáo dục. Sau đó, bà Thanh được bổ nhiệm làm Phó Ban Nghiên cứu cải cách mầm non, thuộc Bộ Giáo dục. Am hiểu về giáo dục và tâm lý học, sau khi làng trẻ SOS Hà Nội được xây dựng, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc tại đây. Những năm tháng làm việc tại Làng trẻ SOS càng giúp bà gần gũi và cảm thông với người nghèo, trẻ em thiệt thòi. Hồi đó, bà thường dành dụm tiền lương, tặng một số học sinh để các em có kinh phí học nghề, trang trải cuộc sống. Khi về hưu, bà đảm nhiệm nhiều công tác địa phương và đặc biệt tâm huyết với công tác từ thiện. 15 năm nay, bà Ngọc Thanh đã nhận đỡ đầu hàng chục em nhỏ. Có em được bà giúp đỡ từ khi còn học mẫu giáo đến đại học. Lứa này trưởng thành, bà lại tìm kiếm những em có hoàn cảnh khó khăn khác để giúp đỡ. Bà bảo: “Chỉ ước chừng thế thôi, chứ tôi không thể nhớ hết được đã đỡ đầu bao nhiêu cháu”.

Để tìm được những địa chỉ từ thiện, bà Thanh thường xuyên đọc báo, nghe đài, xem các chương trình kêu gọi từ thiện trên truyền hình. Lúc còn khỏe, thấy hoàn cảnh được nêu, bà đến tận nơi tìm hiểu, trao quà tận tay. Giờ đây, khi tuổi đã cao, không có thời gian và sức khỏe để đi lại, những người bạn của bà lại giới thiệu các cháu nhỏ thiệt thòi để bà cưu mang.

Hiện nay, bà Thanh đang nhận đỡ đầu cho 14 trẻ em nghèo, trong đó có nhiều em ở Hà Nội, một số em ở các tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An... Khi đọc báo, biết vợ chồng anh Nguyễn Quốc Huy, nguyên Chính trị viên tàu Cảnh sát biển 2016 có vợ bị ung thư, hai con nhỏ, bố mẹ già yếu, bà đã nhận đỡ đầu hai con của anh chị. “Ngày tôi gửi tiền vào cho các cháu, vợ Huy gọi điện thoại cho tôi, hai cô cháu cùng khóc với nhau qua điện thoại. Cô ấy khóc vì cảm động, còn tôi khóc vì vui mừng khi biết mình đã góp phần làm vơi bớt khó khăn cho một gia đình. Tôi hứa với vợ Huy sẽ giúp đỡ các con của cô ấy cho đến khi mình không thể”, bà xúc động kể.

Những cánh thư, những cuộc gọi cảm ơn của người được giúp đỡ ngày một dày thêm là động lực để bà theo đuổi tâm nguyện cả đời mình. Bà hạnh phúc khi biết những đứa trẻ khó khăn, khi có sự giúp sức của mình đã được cắp sách đến trường, được đi học, được mặc ấm, ăn no. Người phụ nữ nhân hậu ấy tâm niệm “làm từ thiện không phải chỉ bỏ ra ít vật chất, mà quan trọng hơn là để mọi người xích lại gần nhau, biết sẻ chia và quan tâm đến nhau”.

Bà Tạ Thị Ngọc Thanh mang nét đẹp điển hình của một phụ nữ Hà Nội, rất thanh lịch và giàu rung cảm. Ở tuổi 78, bà vẫn giữ cách nói chuyện hài hước và am hiểu sâu sắc các vấn đề xã hội. Tháng 10 vừa qua, bà Ngọc Thanh vinh dự được trao tặng danh hiệu Công dân Ưu tú của Thủ đô. Nhận được tiền thưởng, bà dành một chút mua quà cho cậu chắt duy nhất, phần còn lại, bà dành tặng hai trường hợp khó khăn vừa được biết.