Tuyên truyền về lợi ích sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Sau nhiều lần "lỗi hẹn", ngày 20-9, tuyến đường sắt đô thị (ÐSÐT) số 2A Cát Linh - Hà Ðông được đưa vào vận hành thử, trước khi chính thức khai thác thương mại, phục vụ người dân vào đầu năm 2019. Ðây là tuyến ÐSÐT đầu tiên vận hành ở Hà Nội nói riêng, ở Việt Nam nói chung.

Tuyến ÐSÐT gồm 13,1 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu đề-pô, 12 nhà ga, đi qua một trong những trục giao thông xuyên tâm, có mật độ giao thông cao nhất thành phố là Cát Linh - Hào Nam - Láng - Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Ðông). Tàu chạy với vận tốc trung bình 35 km/giờ, tần suất từ 10 phút đến 15 phút/lượt, mỗi chuyến vận chuyển khoảng 1.000 hành khách/lượt, mỗi ngày tối đa vận chuyển từ 140 nghìn đến 180 nghìn lượt hành khách. Với ưu thế là phương tiện có hạ tầng vận hành riêng biệt, không xung đột với các loại hình giao thông vận tải khác, tuyến ÐSÐT số 2A đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng cường dịch vụ vận tải hành khách công cộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời giảm mật độ giao thông, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên trục đường xuyên tâm nêu trên, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Không phủ nhận tính ưu việt của ÐSÐT, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, để phương tiện này phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, trong bối cảnh hiện chỉ có duy nhất tuyến ÐSÐT này đi vào vận hành, thì sự kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác là hết sức quan trọng, để bảo đảm tính đồng bộ, liên hoàn của vận tải. Bởi trên thực tế, không phải hành khách nào cũng chỉ có nhu cầu đi đến các điểm dừng trên tuyến, mà từ những điểm dừng đó sẽ đi tiếp đến các địa điểm khác, phụ thuộc nhu cầu của mỗi người. Vì vậy, nếu tuyến ÐSÐT này thiếu tính kết nối, sự tiện lợi sẽ khó thu hút nhiều người lựa chọn sử dụng. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, việc tổ chức lại mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến ÐSÐT số 2A đã được chuẩn bị từ hai năm nay. Hiện nay trên trục đường giao thông xuyên tâm nói trên có khoảng 30 tuyến xe buýt hoạt động. Khi tuyến ÐSÐT này đi vào hoạt động, các tuyến xe buýt chạy trên trục đường sẽ được sắp xếp, điều chỉnh lại nhằm kết nối tốt nhất với 12 nhà ga, nhất là hai ga đầu và ga cuối của tuyến, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách nhanh nhất, thuận tiện nhất.

Được khởi công xây dựng năm 2011, sau tám năm triển khai thi công, người dân Thủ đô chuẩn bị được đi lại trên tuyến ÐSÐT đầu tiên. Theo kế hoạch, đến năm 2020, tuyến ÐSÐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy dài 8 km cũng được đưa vào hoạt động. Chính vì vậy, việc tuyên truyền để mọi người nhận thức được lợi ích từ việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng này là rất quan trọng, để từ đó tiếp cận, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là trong bối cảnh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. Ðiều này không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành tuyến ÐSÐT, mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống thông tin, truyền thông các cấp của thành phố ngay từ bây giờ.