Từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị

Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HÐND) phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang thu hút sự chú ý của dư luận. Cụ thể TP Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HÐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, tại những phường thực hiện thí điểm, HÐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026. Từ ngày 1-6-2021, UBND quận, thị xã tại nơi thí điểm sẽ được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn.

Như vậy, khi thực hiện thí điểm, tổ chức chính quyền thành phố gồm HÐND và UBND, về cơ bản giữ nguyên như hiện nay. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã cũng cơ bản giữ nguyên, gồm có HÐND và UBND. Riêng về tổ chức chính quyền xã, phường, thị trấn, tại phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HÐND phường, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế Ủy ban hành chính. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận định, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển, yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.

Trên thực tế, việc xây dựng đề án thí điểm không tổ chức HÐND cấp phường tại 177 phường của Hà Nội xuất phát từ nhu cầu của địa phương. Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, những thách thức về gia tăng dân số, áp lực về kết cấu hạ tầng, giao thông, môi trường, an ninh trật tự... đòi hỏi cần có một cơ chế, chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm của Thủ đô. Hà Nội mong muốn xây dựng hệ thống chính quyền gọn nhẹ, gần dân hơn và đáp ứng các yêu cầu của người dân tốt hơn. Trên thực tế, số lượng đại biểu HÐND mỗi phường, xã, thị trấn tại Hà Nội hiện nay là gần 30 người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Theo tính toán của thành phố, nếu không còn HÐND cấp phường thì Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 đến 3.500 cán bộ HÐND phường.

Trước băn khoăn về việc không tổ chức HÐND cấp phường ở Hà Nội là không phù hợp với Hiến pháp, tại diễn đàn Quốc hội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố đã nghiên cứu kỹ vấn đề này trước khi xây dựng dự thảo Nghị quyết. Ngay từ khi xây dựng Ðề án, thành phố đã rất quan tâm đến việc thực hiện thí điểm có bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, cũng như lấy ý kiến của các nhà luật học, các nhà quản lý. Qua đó cho thấy đề án thí điểm không vi hiến. Ðây cũng là nội dung được khẳng định trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trong quá trình quản lý nhà nước, các địa phương đều mong muốn thí điểm mô hình quản lý theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn. Và chỉ có qua thí điểm, các cơ quan quản lý nhà nước mới rút ra được kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản lý tốt phù hợp với thực tiễn. Với Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026, người dân Thủ đô mong muốn thành phố sẽ có bước đột phá trong đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đồng thời bảo đảm quyền đại diện và lợi ích hợp pháp của người dân.