Tìm giải pháp giảm áp lực giao thông

Ngay trong những ngày đầu năm 2019, các đơn vị của Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục triển khai cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2, vành đai 3. Việc cải tạo, mở rộng hai tuyến đường vành đai này được chia thành các dự án nhỏ, thi công từ ngày 1-1, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Trong đó, riêng việc cải tạo, mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp được chia thành ba dự án, dự án cải tạo đường Phạm Hùng; dự án cải tạo, mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến và dự án mở rộng đường Nghiêm Xuân Yêm. Dự án mở rộng đường Láng dài 4 km, ngoài việc mở rộng mặt đường thêm 3,5 m, sẽ xây mới mặt đường bê-tông nhựa rộng 4 m cho người đi bộ, đi xe đạp. Bốn dự án nêu trên có tổng mức đầu tư khoảng 126 tỷ đồng; sử dụng ngân sách thành phố.

Vài năm gần đây, tuyến đường Láng (đường vành đai 2) và đường vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ Linh Đàm đến Mai Dịch, chịu nhiều áp lực giao thông do số lượng phương tiện giao thông cá nhân và nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Hơn nữa, tại khu vực hai tuyến đường này chạy qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, kéo theo sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông. Vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều hằng ngày, dòng phương tiện nối đuôi nhau, nhích từng tý một trên hai tuyến đường huyết mạch này. Nhiều người điều khiển xe máy leo lên cả vỉa hè, dải phân cách, cố gắng để thoát khỏi đoạn ùn tắc. Chính vì vậy, mới đây thành phố đã quyết định thu hẹp dải phân cách giữa tuyến đường để làm thêm làn đường phục vụ giao thông.

Có thể nói việc tiến hành thực hiện các dự án nêu trên là giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về giao thông của Thủ đô hiện nay. Những năm trước, thành phố đã tiến hành xén hè, thu hẹp dải phân cách, mở rộng diện tích dành cho giao thông trên các tuyến đường xuyên tâm Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Trần Thái Tông, Trần Quốc Hoàn..., đã phần nào khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm trên các tuyến đường này. Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát trên các quận tuyến đường nào cần thiết và phù hợp sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội cho xén hè, dải phân cách để mở rộng đường, giảm ùn tắc giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành phố chi hơn 100 tỷ đồng để cải tạo, mở rộng tuyến đường vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng cách đây 10 năm cho thấy những bất cập khá lớn giữa phát triển hạ tầng giao thông và tốc độ xây dựng nhà ở, tăng trưởng phương tiện giao thông trên địa bàn Thủ đô, khiến các công trình hạ tầng vừa xây xong đã lâm vào tình trạng quá tải, lạc hậu trước sự phát triển nhanh chóng của số dân và phương tiện giao thông cá nhân. Trong khi quỹ đất để mở đường thì có hạn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là thành phố cần triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp có tính chất căn cơ nhằm giảm ùn tắc giao thông như ưu tiên phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô, tiến hành di chuyển các trường đại học, cơ sở sản xuất, phát triển các đô thị vệ tinh... Nếu không, Hà Nội khó có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn: tốn kinh phí xây dựng đường, sau đó lại phải chi thêm kinh phí để mở rộng đường, chống ùn tắc giao thông như hiện nay.