Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chỉ số PCI của Hà Nội đạt 66,93 điểm, xếp thứ chín trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Với vị trí này, Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số điều hành dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, trong 10 chỉ số đánh giá thì thành phố có 5 chỉ số bị giảm hạng so với năm 2019. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố khác ở vị trí cao hơn đều đã có những cải thiện điểm số đáng kể. Để từng bước cải thiện điểm số và vị trí trên bảng xếp hạng PCI, đồng nghĩa với việc đáp ứng, phục vụ tốt hơn cho hoạt động thu hút đầu tư, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp tới các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Trong đó, ở những lĩnh vực mà thành phố có kết quả tốt như Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động… cần tiếp tục duy trì và phát huy. Với các hạn chế ở những lĩnh vực có điểm số và xếp hạng thấp như Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Tiếp cận đất đai..., cần triển khai ngay các biện pháp khắc phục. Các đơn vị thuộc thành phố cần tiếp tục công khai, minh bạch hóa, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng các thông tin quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính… cho công dân, doanh nghiệp trên website, trang thông tin điện tử của các đơn vị. Tiến tới, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện những nội dung mà các đơn vị đã công khai.

Các sở, ngành liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Văn phòng UBND thành phố… phải rà soát lại quy chế phối hợp, quy trình xử lý giải quyết công việc, chấn chỉnh đến từng chuyên viên, nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xử lý hồ sơ công việc. Trong đó, cần quán triệt nguyên tắc: đối với một hồ sơ xử lý công việc, một vụ việc chỉ cần có ý kiến thỏa thuận, hướng dẫn bằng một văn bản để hạn chế số lần đi lại và thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. 

Về lâu dài, các sở, ban, ngành, địa phương cần tổ chức và triển khai Nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới công dân, các tổ chức, cá nhân. Qua đó, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của dịch Covid-19, góp phần thu hút đầu tư cho thành phố và cải thiện hiệu quả môi trường sản xuất, kinh doanh.