Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội đã có những bước phát triển nhanh. Từ năm 2016 đến nay, tại Hà Nội có thêm 123 nghìn DN thành lập mới, trong đó số DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97%, nâng tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn lên hơn 299 nghìn DN. Số lượng sản phẩm do khu vực DNNVV tạo ra chiếm khoảng hơn 30% tổng sản phẩm của thành phố.

Vốn đầu tư của các DN này chiếm 25% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Vốn đầu tư bình quân của các DNNVV là từ 12 đến 15 tỷ đồng/DN. Cộng đồng DN đã tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, mỗi năm tạo thêm khoảng hơn 140 nghìn việc làm mới. Thu nhập bình quân mỗi lao động trong khối này đạt từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội luôn quan tâm công tác hỗ trợ DN, nhất là sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 ra đời, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi hơn cho các DN phát triển. HÐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2018/NQ-HÐND ngày 5-7-2018 thông qua chủ trương ban hành Ðề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020 và một số chính sách thuộc đề án, trong đó triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Năm 2019, HÐND thành phố thông qua chủ trương ban hành Ðề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Các chính sách nêu trên đã được triển khai, tác động tích cực đến sự phát triển DN.

Ðề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020 sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2020. Ðể bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được xuyên suốt, liên tục, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thuận lợi, thúc đẩy DNNVV phát triển, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2021 của thành phố là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, tại kỳ họp thứ 18, HÐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Ðề án "Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".

Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, góp phần cải thiện chỉ số PCI của thành phố. Thành phố phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025 có thêm 150 nghìn DN thành lập mới, các DNNVV tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới, kim ngạch xuất khẩu chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, đóng góp hơn 40% GRDP và hơn 30% ngân sách thành phố. Thành phố sẽ hỗ trợ ít nhất 500 DNNVV thuộc các ngành: Công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Với ba nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ DNNVV gồm nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ chung cho các DNNVV, nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ theo cơ chế của thành phố, Ðề án bao gồm nhiều chính sách, cơ chế đặc thù, thiết thực để hỗ trợ các DNNVV với kinh phí dự kiến khoảng 957,6 tỷ đồng.

Việc triển khai Ðề án "Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025" được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Việt Anh