Thiết bị thông minh tích hợp nhiều tiện ích

Từ giữa tháng 10-2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã lắp đặt thí điểm thiết bị thông minh (m-gateway) tại 200 hộ dân ở các quận Ba Ðình, Cầu Giấy và Hoàn Kiếm. Việc lắp đặt thiết bị thông minh được thực hiện theo Ðề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ðài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố", từng bước thay thế loa phường ở khu vực nội thành.

Thiết bị m-gateway có chức năng phát trực tiếp các bản tin của chính quyền đến từng hộ dân; có phần mềm đa tiện ích (cài đặt trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng) với nhiều chức năng như nộp tiền điện, nước, đăng ký dịch vụ công mức độ 3 và nhất là khả năng cảnh báo, chống trộm đột nhập vào nhà... Bên cạnh đó, người dân có thể gửi các ý kiến phản ánh, kiến nghị tới chính quyền thông qua thiết bị. Trong quá trình thí điểm, các thiết bị được lắp đặt chủ yếu tại nhà của các tổ trưởng, tổ phó dân phố.

Sau hai tháng thí điểm, đã có những phản hồi khá tích cực từ phía người dân. Nhiều ý kiến khẳng định, việc thông tin theo hình thức này khá thuận tiện và tích hợp được nhiều hình thức trao đổi hai chiều. Bà Ðặng Thị Liễu (tổ trưởng tổ 29, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đánh giá: So với loa phường, thiết bị có nhiều ưu điểm hơn, vì nhỏ gọn, dễ lắp đặt, tiếng rõ, lượng tiêu thụ điện ít và có cả chức năng chống trộm. Mọi người ở trong nhà vẫn có thể nghe được các bản tin, trái ngược với sự ồn ào của loa truyền thanh phường trước đây. Với chính quyền cơ sở, khi phát sóng qua thiết bị thông minh, phường có thể kiểm tra được hộ nào đang mở hoặc tắt máy để biết lượng người đang theo dõi bản tin. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dè dặt. Một số ý kiến đề nghị nâng cao chất lượng thu âm các bản tin và bổ sung chiết áp để người dân tự điều chỉnh lượng âm thanh phù hợp. Cũng có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn vì thiết bị có phần mềm đa tiện ích kết nối mạng sau giai đoạn thử nghiệm không được sử dụng miễn phí, vậy giá bán sẽ là bao nhiêu? Cũng có ý kiến cho rằng, thiết bị mới không hiệu quả bằng loa phường bởi không mang tính phổ cập, cộng đồng và khó sử dụng đối với người cao tuổi.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các nhà cung cấp thiết bị đều chưa đưa ra được mức giá cụ thể do thiết bị đang trong giai đoạn thử nghiệm. Chỉ khi thử nghiệm xong và có đánh giá kết quả, thành phố mới tính toán đến việc nhân rộng và đưa ra mức giá cụ thể. Tuy nhiên, quan điểm của thành phố khi xây dựng đề án là thực hiện theo hình thức xã hội hóa để các nhà cung cấp dịch vụ triển khai và thực hiện cùng nguồn kinh phí của thành phố, cho nên sẽ có một mức giá phù hợp, người dân có thể mua để sử dụng đại trà.