Thị trường việc làm cần chuyển hướng

Trong năm 2018, TP Hà Nội đã giải quyết và tạo việc làm mới cho hơn 190 nghìn lao động, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2017. Những tín hiệu tích cực trong giải quyết việc làm đã góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp chung của thành phố xuống còn 1,91%. Kết quả này ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của thành phố khi chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái, năm 2018, các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động được đẩy mạnh. Trong số 190.179 lao động được tạo việc làm, có 41.612 lao động được tạo việc làm từ vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền khoảng 860 tỷ đồng. Đã có 3.250 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thành phố đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 54.600 người với số tiền 974 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 2.217 người với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các phiên giao dịch việc làm đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 109 phiên giao dịch việc làm, thu hút 6.075 doanh nghiệp, đơn vị tham gia tuyển dụng, với 85 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh. Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã có 51.500 lao động được phỏng vấn, tư vấn hướng nghiệp, 23.500 lao động được tuyển dụng. Điểm mới đáng ghi nhận là bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến, phiên lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện. Đồng thời, kết nối đồng bộ giữa hai sàn giao dịch chính tại số 215 phố Trung Kính và số 144 phố Trần Phú (Hà Đông) với tám điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Việc kết nối này đã giúp lao động và các doanh nghiệp không phải đi lại, di chuyển quá nhiều trong quá trình tuyển dụng, cũng như tìm việc làm.

Việc cấp phép lao động cũng được các ban chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng. Sở đã chấp thuận 10.820 vị trí công việc dự kiến sử dụng lao động người nước ngoài; cấp và cấp lại 10.334 giấy phép lao động cho người nước ngoài, miễn cấp giấy phép lao động cho 1.068 lao động nước ngoài. Công tác quản lý lao động và kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về dịch vụ việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được các đơn vị tập trung rà soát. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, góp phần tạo nghề, định hướng việc làm cho đông đảo người lao động ở các huyện ngoại thành. Hơn 500 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được tổ chức đã thu hút hơn 20 nghìn người tham gia.

Có thể khẳng định, năm 2018, Hà Nội đã triển khai tốt các chính sách tư vấn, hỗ trợ việc làm. Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2019, thành phố đề ra mục tiêu sẽ giải quyết việc làm cho 154 nghìn lao động. Tuy nhiên, có một thực tế cần suy ngẫm khi việc làm cho lao động phổ thông đang có xu hướng thừa, trong khi thành phố vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước những tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thiết nghĩ bên cạnh các chính sách hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho lao động phổ thông, thành phố cần chuyển dịch dần sang phát triển, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.