Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thời gian này, ngoài nhiệm vụ cấp bách là quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội cũng chuẩn bị các kịch bản để hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, duy trì và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Ðây là nhiệm vụ quan trọng thứ hai của thành phố, sau nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2019, thành phố đã bố trí kế hoạch đầu tư công 79.115 tỷ đồng, giải ngân được 67.490 tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch đã giao. Năm 2020, mặc dù hụt thu ngân sách vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thành phố không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. Nguồn vốn đầu tư công của thành phố trong năm nay bao gồm: 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỷ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỷ đồng vốn kết dư ngân sách của năm 2019. Ðiều này cho thấy thành phố đã ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư công, xác định thúc đẩy đầu tư công là giải pháp quyết định của kinh tế Hà Nội trong năm nay, để góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ này.

Nguồn vốn không thiếu, tuy nhiên, ba tháng đầu năm nay, các đơn vị của thành phố mới hoàn thành 18,8% khối lượng công trình đầu tư công, tỷ lệ giải ngân mới đạt 9,8%, dù cao hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm ngoái (7,2%), nhưng vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và sự chủ động, ý thức trách nhiệm của cán bộ khi thực hiện các dự án còn chưa cao.

Ðể khắc phục tình trạng này, tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu UBND thành phố rà soát những cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giải ngân vốn, cũng như bộ máy, cơ chế làm việc của các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. Bởi trong cùng một dự án, nhưng có quận, huyện giải phóng mặt bằng, giải ngân nhanh hơn nơi khác, do ý thức trách nhiệm của cán bộ quyết định. Thực tế cho thấy, ở dự án nào có cán bộ thực hiện dự án xuống đối thoại với người dân, công khai, minh bạch các thể chế, chính sách liên quan thì người dân yên tâm giao đất nhanh, dự án sớm được triển khai và ngược lại. Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố thành lập tổ công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách trực tiếp làm nhiệm vụ đôn đốc, giám sát việc giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác cần giao ban hằng tuần, phân công rõ việc, rõ trách nhiệm của những bên liên quan để giải quyết những vướng mắc cụ thể. Nếu quy trình giải ngân vốn được đẩy nhanh thì các dự án đầu tư công sẽ suôn sẻ.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và còn có xu hướng kéo dài làm suy giảm các động lực tăng trưởng, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong khi đó, đầu tư công không liên quan nhiều tới các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, mà chủ yếu phụ thuộc vào ý thức chủ quan của chính bộ máy cán bộ, công chức của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố. Chính vì vậy, thời điểm này cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành càng cần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nhanh, thu hút thêm đầu tư xã hội nhằm ổn định, kích thích tăng trưởng kinh tế. Kinh tế của Thủ đô chuyển động mạnh mẽ, chắc chắn sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với kinh tế cả nước.