Tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết

Tình hình vi phạm an toàn thực phẩm tại Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân. Cùng với nguồn thực phẩm không an toàn từ bên ngoài tuồn vào, ngay tại Hà Nội, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng hóa chất độc hại vẫn ngang nhiên hoạt động. Một số lò mổ gia súc, gia cầm không được cán bộ thú y kiểm soát.

Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi tình trạng mất an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền được tăng cường với nhiều hình thức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, tập thể, cá nhân; tổ chức kiểm tra về an toàn thực phẩm trong các đợt, thời điểm dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng. Chín tháng đầu năm, thành phố đã tổ chức 1.440 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh tra, kiểm tra 77.388 lượt cơ sở, phát hiện 12.371 cơ sở vi phạm, xử phạt 4.100 cơ sở, với tổng số tiền 22,6 tỷ đồng; tiêu hủy mười tấn sản phẩm; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự bốn vụ. Thành phố mở rộng chương trình thí điểm, bố trí mỗi xã, phường một nhân viên chuyên trách kiểm tra về an toàn thực phẩm, tổ chức hội chợ kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm, đặc sản an toàn, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem nhận biết, sử dụng ô-tô lưu động có thiết bị kiểm tra chất lượng, chỉ số an toàn thực phẩm ngay tại chỗ… Thành đoàn Hà Nội tham gia tổ chức “Phong trào thi đua an toàn thực phẩm”, tuyên truyền, tập huấn “Thanh niên với an toàn thực phẩm năm 2016” cho hàng trăm đoàn viên, thanh niên đại diện các doanh nghiệp, mô hình kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thanh niên tham gia sản xuất, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đáng lo ngại, chưa được quản lý, kiểm soát có tính hệ thống, toàn diện, chặt chẽ, còn nhiều vi phạm tại các cơ sở sản xuất chế biến, các chợ dân sinh, điểm kinh doanh tự phát. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm tăng, nhất là các loại thịt và rau, vì vậy dễ phát sinh, gia tăng các hoạt động không an toàn về thực phẩm. Chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị chức năng cần triển khai các kế hoạch, biện pháp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát những hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào những mặt hàng, địa bàn, phương thức trọng tâm, trọng điểm; áp dụng chế tài mạnh đối với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng con người; cần tạo dư luận lên án, phê phán, đấu tranh với những việc làm sai trái này trong xã hội, không tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm không an toàn.