Tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Từ ngày 20-10-2018, Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực thi hành, thay thế cho Nghị định 178/2013/NÐ-CP. Ðiều 16, Nghị định 115/2018 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố nêu rõ, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Thời gian gần đây, nhờ các ngành chức năng của TP Hà Nội tổ chức tốt tuyên truyền, kiểm tra xử lý nghiêm, cho nên ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều người bán hàng và khách hàng có chuyển biến rõ nét. Các nhà hàng lớn, đông khách đều ý thức thực hiện nghiêm các quy định này để giữ uy tín với khách. Quán phở gà số 42 phố Quán Thánh (quận Ba Ðình, Hà Nội) nhiều năm nay là địa chỉ kinh doanh ẩm thực khá đông khách, ba người bán hàng luôn đội mũ, đeo khẩu trang, mang găng tay khi trần bánh phở, gắp thịt cho khách. Quán bún ốc cô Huệ trên phố Kim Ngưu trước đây vẫn bày rổ bún, các bát ốc nhể sẵn trên bàn, nhưng một tuần nay đã đầu tư thêm tủ kính để ngăn chặn bụi bẩn, côn trùng xâm nhập…

Tuy nhiên, đối với các quầy bán thực phẩm, hàng quà nhỏ, hàng rong, không có chỗ ngồi cố định, thì việc thực hiện những quy định nêu trên còn nhiều hạn chế. Hầu hết những người bán hàng vỉa hè như bánh mì, bánh bao, bánh giò, xúc xích… đều không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với đồ ăn, mặc dù đây là những thức ăn ngay, dùng trực tiếp, nếu nhiễm khuẩn hoặc mất vệ sinh thì người ăn phải hứng chịu. Khi người mua thắc mắc thì người bán hàng thường nại ra lý do khách đông, đeo găng tay vướng víu nên lâu nay vẫn như vậy. Những người bán hàng ăn đi rong thì thực hiện mang tính hình thức, họ thường chỉ đi găng tay khi bốc thực phẩm chín cho khách. Khi nhận tiền, trả lại tiền thừa cho khách, thu dọn bát đũa, rửa bát, lau bàn thì lại tháo găng tay ra để dễ thao tác. Với loại găng tay dùng một lần rất dễ rách, lại được dùng đi dùng lại nhiều lần thì rất khó kiểm soát được việc có bị tiếp xúc với bàn tay dính vi khuẩn của người bán hay không, cho nên vẫn có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, để kiểm soát việc dùng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm ăn ngay cần thực hiện nhiều giải pháp và sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và chính người dân. Thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống để giám sát việc thực hiện các quy định.

Tuy nhiên, dù lực lượng thanh, kiểm tra làm thường xuyên cũng khó có thể kiểm soát được hết nếu các chủ cửa hàng vẫn không có ý thức chấp hành. Vì thế, kênh giám sát lớn nhất chính là người dân, người mua hàng, sử dụng dịch vụ. Khi phát hiện ra những trường hợp không sử dụng găng tay theo quy định, mọi người có thể chụp ảnh, quay phim gửi tới cơ quan chức năng để có bằng chứng xử lý đối tượng sai phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe của mình và cả cộng đồng.