Tăng cường đầu tư và quản lý hệ thống nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt

Thời gian qua, TP Hà Nội có nhiều chính sách ưu tiên phát triển các phương thức vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), coi đây là giải pháp hữu hiệu để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Trong đó, xe buýt nhờ tính linh hoạt, chi phí đầu tư hợp lý, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, được lựa chọn là loại hình VTHKCC chủ lực, tập trung đầu tư phát triển và đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Đến nay, mạng lưới xe buýt tại Hà Nội có 127 tuyến, trong đó có 103 tuyến trợ giá; đoàn phương tiện gồm 1.958 xe. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô và kết nối các tỉnh lân cận, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân, giảm bớt lưu lượng phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô.

Tuy có chuyển biến rõ nét so với trước đây, nhưng hoạt động của xe buýt còn nhiều bất cập, hạ tầng cho xe buýt còn nhiều hạn chế. Hiện nay, mới có 360 điểm dừng, đỗ xe buýt có mái che, chỗ ngồi, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số 3.719 điểm dừng, đỗ (chiếm tỷ lệ 9,6%). Các điểm dừng, đỗ còn lại, nhất là các điểm trên các tuyến đường ngoại thành thường chỉ có một cọc sắt gắn biển ghi thông tin số hiệu tuyến, lộ trình, không có mái che, ghế ngồi. Bất kể thời tiết thế nào, hành khách phải đứng ngay trên tuyến đường nhỏ hẹp chờ xe, rất nguy hiểm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cản trở người dân tiếp cận với xe buýt, khiến cho lượng hành khách đi xe buýt không tăng trưởng như mong muốn. Tháng 9-2016, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với 17 chỉ tiêu, trong đó, đề ra chỉ tiêu về tỷ lệ VTHKCC của thành phố đến năm 2020 là từ 20% đến 25%. Đến nay, chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc việc thực hiện Nghị quyết, nhưng chỉ tiêu này mới đạt 16,08%.

Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ VTHKCC, cùng với việc mở thêm các tuyến xe buýt, điều chỉnh luồng tuyến cho phù hợp và tăng cường kết nối các loại hình vận tải để thuận tiện hơn cho hành khách, mới đây, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quyết định số 6662/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư. Theo quyết định này, thành phố sẽ xây dựng 600 nhà chờ xe buýt, trong đó, lắp đặt mới 235 nhà chờ, thay thế 365 nhà chờ hiện có; lắp 25 màn hình cảm ứng và phát wifi kết nối in-tơ-nét tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp để phục vụ tra cứu thông tin du lịch kết hợp quảng cáo. Hệ thống nhà chờ được xây dựng theo hướng hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt. Thông tin này được người dân Thủ đô vui mừng đón nhận. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của hệ thống nhà chờ, điểm dừng, đỗ xe buýt cho thấy, bên cạnh việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị mới cho các nhà chờ, điểm dừng đỗ, thành phố cần chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp chính quyền sở tại làm tốt hơn công tác quản lý các điểm này, không để tiếp diễn tình trạng chiếm dụng hạ tầng của xe buýt để kinh doanh hoặc có hành vi gây cản trở việc sử dụng của hành khách. Có như vậy, mới tạo thuận lợi, an toàn cho hành khách đi xe buýt trong lúc chờ, đón xe buýt, qua đó thu hút ngày càng nhiều hơn người dân đến với loại hình vận tải công cộng thiết yếu này.