Tầm nhìn quy hoạch đô thị

Sau khi hoàn thành việc xén dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Ðê La Thành trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, mới đây, Sở Giao thông vận tải tiếp tục trình UBND TP Hà Nội kế hoạch xén dải phân cách giữa đường vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ Linh Ðàm đến Mai Dịch, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến giao thông huyết mạch này.

Tuyến đường vành đai 3 đi qua địa bàn các quận, huyện: Ðông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm không chỉ là trục giao thông quan trọng của Thủ đô, mà còn là trục giao thông quá cảnh kết nối các tỉnh phía nam với các tỉnh phía tây bắc và với sân bay quốc tế Nội Bài. Cuối năm 2010, việc mở rộng đường vành đai 3, đoạn từ cầu Thanh Trì đến Mai Dịch (gồm các đường Pháp Vân, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng) được hoàn thành. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, mặt cắt rộng, mỗi bên đường gồm hai làn xe, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh được thi công đồng bộ. Quỹ đất dự phòng được sử dụng làm dải phân cách giữa tuyến đường rộng 20m, được trang trí bởi hệ thống cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, tạo cảnh quan không gian đẹp mắt. Tuy nhiên, sau bảy năm đưa vào sử dụng, đến nay, đoạn đường này lâm vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Mặc dù lực lượng chức năng lập nhiều chốt ứng trực, điều hành giao thông trên tuyến, nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực ven đô (từ đường vành đai 3 trở ra) trong những năm gần đây, thu hút lượng cư dân lớn về sinh sống, khiến mật độ giao thông trên tuyến đường khá đông. Trong khi mặt cắt đường hẹp lại bị xung đột với nút giao thông, các đường gom lên, xuống của đường vành đai 3 trên cao, dẫn đến khả năng lưu thông trên đoạn tuyến không đồng đều, lưu lượng và nhịp độ giao thông diễn biến thất thường. Theo quy hoạch, trong những năm tới, quy mô dân số và phương tiện giao thông trong khu vực này tiếp tục gia tăng. Bởi vậy, bên cạnh công tác tổ chức, điều tiết giao thông, biện pháp được cho là hữu hiệu nhất hiện nay là xén dải phân cách giữa, mở rộng mặt đường.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải, dự án xén dải phân cách giữa đoạn tuyến vành đai 3 được chia làm ba đoạn: Ðoạn từ Cầu Dậu đến nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; đoạn từ nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đến nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng và đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đến nút giao Mai Dịch. Hiện, UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến thực hiện trong năm nay. Sau khi cải tạo, dải phân cách giữa được thu hẹp từ 1 đến 5 m; bảo đảm bề rộng mặt đường mỗi chiều từ 12 đến 20 m.

Mặc dù không phải chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng, thời gian thi công khá nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về giao thông, nhưng việc một tuyến đường vừa mới được đưa vào sử dụng cách đây không lâu, nay thành phố lại chi hàng tỷ đồng để thu hẹp dải phân cách khiến không ít người xót xa. Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng này thể hiện tầm nhìn ngắn hạn trong công tác quy hoạch, khiến cho công trình giao thông lớn vừa xây dựng xong đã trở nên bất cập trước sự phát triển không thể kiểm soát của các khu đô thị cao tầng và phương tiện giao thông cá nhân. Sự bất cập này cần được thành phố nhìn nhận và rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý phát triển đô thị, tránh xảy ra những trường hợp tương tự.