Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh nông sản

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản.

Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã thực hiện đánh giá, xếp loại gần 2.830 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó, có 51 cơ sở được xếp loại A (loại tốt), 2.313 cơ sở xếp loại B (loại đạt) và 462 cơ sở xếp loại C (không đạt). Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản loại A, loại B đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn theo quy định, còn các cơ sở loại C phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục các hạn chế. Sau quá trình kiểm tra, thẩm định lại, có gần 250 cơ sở loại C được nâng hạng, đủ điều kiện kinh doanh nông sản. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã tổ chức lấy 1.620 mẫu các mặt hàng có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao như: Rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy sản để xét nghiệm, kiểm tra. Qua đó, có hơn 15.450 mẫu đạt, chiếm tỷ lệ hơn 95%. Các mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng được cảnh báo kịp thời tới các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh để kiểm tra, xác định nguyên nhân và khắc phục… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nông sản Hà Nội ngày càng có chất lượng tốt, an toàn, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn thành phố vẫn còn không ít hạn chế khi lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra gần 88.600 lượt cơ sở, đã phát hiện hơn 8.600, chiếm gần một phần mười tổng số cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng; không có giấy tờ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vi phạm về nhãn hàng hóa, thiếu bảo hộ lao động, không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh nhà xưởng… Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản phần lớn quy mô hộ gia đình, hoạt động xen kẽ trong khu dân cư, năng lực, trình độ sản xuất còn lạc hậu. Sự vào cuộc của chính quyền cơ sở chưa thường xuyên và quyết liệt, chủ yếu dừng lại ở mức độ nhắc nhở.

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội cần siết chặt việc quản lý chất lượng nông sản, gắn trách nhiệm với mỗi tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu, từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến tới tiêu thụ. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn, chất lượng, xây dựng thương hiệu. Tập trung lấy mẫu xét nghiệm nông sản trên diện rộng, qua đó phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu các cơ sở khắc phục triệt để vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra, thanh tra đột xuất và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm. Ðồng thời chủ động kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang.