Siết chặt quản lý kinh doanh trái cây

Theo số liệu của Sở Công thương, khu vực nội thành Hà Nội hiện có mười công ty bán buôn, 464 cửa hàng, quầy hàng cố định bán lẻ trái cây. Nhưng chỉ có 30% cửa hàng có tủ mát để bảo quản, 50% cửa hàng có giá kệ bày hàng. Bên cạnh các cửa hàng này, số người bán rong trái cây ước tính lớn gấp hai, ba lần các điểm kinh doanh cố định. Phần lớn những người bán hàng chưa quan tâm, trang bị đủ kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nhằm đưa hoạt động kinh doanh mặt hàng trái cây vào nền nếp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, thành phố Hà Nội giao cho Sở Công thương triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại các quận nội thành trên địa bàn thành phố”. Sau khi tổ chức tập huấn kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh; rà soát các cửa hàng đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Đề án, chiều 29-11, Sở Công thương phối hợp UBND quận Cầu Giấy triển khai gắn biển “Cửa hàng trái cây an toàn” cho sáu cửa hàng đạt yêu cầu, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các địa chỉ kinh doanh bảo đảm chất lượng. Tới đây, thành phố tiếp tục thí điểm triển khai mô hình này, phấn đấu mỗi quận có một tuyến phố kinh doanh trái cây, chấm dứt tình trạng kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè.

Tuy nhiên, phần lớn các cửa hàng được gắn biển “Cửa hàng trái cây an toàn” lần này chủ yếu đều bán các loại trái cây nhập khẩu, đáp ứng các yêu cầu về giấy tờ, chứng nhận nguồn gốc, tiêu chuẩn của sản phẩm. Đây là chuỗi cửa hàng có đầu tư về cơ sở vật chất, thương hiệu, hướng tới đối tượng người tiêu dùng có thu nhập khá. Còn những cửa hàng bán hoa quả nhỏ của các hộ gia đình do chưa đáp ứng các yêu cầu về giấy tờ nhập hàng, diện tích cửa hàng, trang thiết bị như ngăn lạnh bảo quản, tủ lạnh..., cho nên chưa được gắn biển nhận diện đợt này.

Như vậy, cùng với việc triển khai nhân rộng mô hình cửa hàng trái cây an toàn, thành phố cần kiểm soát chặt chẽ, không để kinh doanh, buôn bán trái cây một cách tràn lan, dễ dãi như hiện nay. Mặt khác, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, để đề án đạt mục tiêu bảo đảm vệ sinh an toàn mặt hàng trái cây.