Siết chặt quản lý kinh doanh, sử dụng “bóng cười”

Bộ Y tế vừa có Văn bản số 2954/BYT-KCB phúc đáp Công văn số 5051/UBND-KGVX của UBND thành phố Hà Nội về việc khuyến cáo tác hại của khí N2O (là một hợp chất hóa học có tên gọi là đinitơ monoxit hay nitrous oxide, là khí bơm vào bóng cười) và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, lưu hành khí N2O.

Văn bản của Bộ Y tế nêu rõ, trước những tác hại do việc một số người tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí. Như vậy, việc sử dụng “bóng cười”(bóng bơm bằng khí N2O) sẽ được xếp vào danh mục cấm tại Hà Nội. Đây được đánh giá là động thái tích cực của chính quyền thành phố trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, ngăn chặn một thú vui tai hại, thiếu hiểu biết của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Dù mới du nhập vào nước ta chưa lâu nhưng cảm giác kích thích, hưng phấn và có thể gây ảo giác khi sử dụng đã khiến “bóng cười” được nhiều thanh niên ưa thích, lựa chọn là thú vui tiêu khiển, bất chấp cảnh báo nguy hại đến sức khỏe. Khí N2O là chất nằm trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không phải hàng cấm, cho nên ngay tại Thủ đô, “bóng cười” vẫn được bán công khai, người ta có thể tìm mua chúng ở khắp nơi, từ các quán trà chanh vỉa hè đến quán cà-phê, quán bar, vũ trường. Dễ mua, dễ sử dụng và được dùng tràn lan, “bóng cười” đã gây ra nhiều hệ lụy xấu. Tại đêm Nhạc hội mùa thu 2018 được tổ chức vào tháng 9 tại Công viên nước Hồ Tây đã xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến bảy người tử vong và nhiều người ngất xỉu. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện tất cả các nạn nhân đều có sử dụng “bóng cười” và dương tính với ma túy. Mới đây, tại một quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, một thanh niên cũng đã tử vong do sử dụng “bóng cười” liên tục trong nhiều giờ. Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, khí N2O khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái lúc mới hít, nhưng nếu sử dụng nhiều có thể gây ra các rối loạn dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, khí N2O không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng đã và đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý các vi phạm. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần đưa khí N2O vào danh mục cấm, siết chặt quản lý nguồn cung. Đồng thời, phủ rộng lệnh cấm sử dụng khí N2O trong hoạt động vui chơi giải trí tại tất cả các địa phương bởi những ảnh hưởng trực tiếp của nó lên sức khỏe người sử dụng và tiềm ẩn nguy cơ đối với cộng đồng.

Hà Nội đã chính thức cấm sử dụng khí N2O cho mục đích vui chơi giải trí. Để lệnh cấm được thực thi hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc của hệ thống chính quyền cơ sở trong việc điều chỉnh chế tài theo hướng đủ sức răn đe đối với các hành vi kinh doanh, sử dụng bóng cười, không nên dừng lại ở mức độ tuyên truyền như hiện nay.