Rõ trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng

Tình trạng xây dựng công trình, nhà ở không phép, sai phép, lấn chiếm đất công diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, với quy mô, cấp độ khác nhau, thời gian qua đã gây bức xúc, giảm sút niềm tin của người dân đối với công tác quản lý nhà nước. Nhiều công trình vi phạm lại được phạt cho tồn tại. Vi phạm thấy rõ, nhưng trách nhiệm chính thuộc về ai, tổ chức, cá nhân, cấp, ngành nào lại không rõ, đã làm giảm hiệu quả, hiệu lực vai trò quản lý nhà nước. Những bức xúc, lo ngại này được cử tri phản ánh tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố, nhất là trên địa bàn một số quận, huyện: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Thanh Trì, Đông Anh, Mỹ Đức.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, ngày 20-7-2016, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3973/QĐ-UBND, giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp, toàn diện các đội thanh tra xây dựng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; từ ngày 1-9-2016, chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Sau khi chính thức bàn giao lực lượng thanh tra xây dựng về chính quyền địa phương để quản lý, đến nay tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh công trình vi phạm có quy mô lớn.

Như vậy từ nay, trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện, thị xã đã có địa chỉ, phần nào khắc phục được tình trạng nhập nhằng trước đây. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra cho Chủ tịch UBND cấp này phải tổ chức lại bộ máy tổ chức, thiết lập cơ chế mới về kiểm tra, giám sát, xử lý, theo quy định của pháp luật từ quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn, thôn xóm, tổ dân phố… để tăng cường khả năng kiểm soát, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan trong quản lý trật tự xây dựng. Chính quyền cơ sở xã, phường, không thể vin bất cứ lý do gì khi để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng. Cấp quận, huyện, thị xã cần thiết lập hệ thống thông tin, báo cáo kịp thời, hiệu quả về tình hình xây dựng và chấp hành pháp luật, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, xử lý. Phát huy vai trò giám sát xã hội của nhân dân, các đoàn thể, phục vụ tốt nhất công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Có như thế mới tạo ra những điều kiện cần thiết để Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ, quản lý tốt hơn hoạt động xây dựng trên địa bàn, có động lực, cơ sở dám chịu trách nhiệm cá nhân trước cấp trên, xã hội về những vi phạm trật tự xây dựng.