Quyết liệt phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Sáu tháng đầu năm 2020, Hà Nội ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 28 quận, huyện, thị xã và 198 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, cho đến nay, số người mắc SXH đã lên đến 1.422 người.

Một số xã ghi nhận nhiều người bệnh và có ổ dịch diễn biến phức tạp, như: xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) có 182 ca; xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) có 48 ca; xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) có 44 ca... và đã có một trường hợp chết liên quan đến SXH. Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH, đồng thời điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh.

Với nhận định dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho người bị SXH. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phải giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình người bệnh để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh SXH. Hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch SXH cho các Trung tâm y tế và hỗ trợ các đơn vị này triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ theo chỉ định.

Theo các chuyên gia, đối với diệt muỗi, ngoài các biện pháp dân gian như xua, bẫy, vợt, dùng hương muỗi…, phun hóa chất diệt muỗi là một biện pháp rất hữu hiệu. Ðể đạt hiệu quả cao khi phun hóa chất diệt muỗi, cần tuyên truyền để mọi người dân trong từng gia đình, tổ dân phố, xóm, làng, thôn, bản ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ y tế địa phương thực thi nhiệm vụ. Tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch cần tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân về tình hình dịch tại khu vực đang sinh sống và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động phòng, chống. Ðối với các cơ sở khám, chữa bệnh cần rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh nhận xét, dù số ca mắc SXH giảm so cùng kỳ của năm 2019, nhưng thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Ðiều đáng lo hơn là SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do vi-rút gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người. Vì vậy, các nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà, rất dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.