Phát triển thể thao thành tích cao

Với số lượng vận động viên và huấn luyện viên lớn nhất cả nước, Hà Nội là trọng điểm phát triển nhiều môn thể thao thành tích cao của cả nước. Thời gian qua, thành phố đã đổi mới công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) nói chung và phát triển thể thao thành tích cao nói riêng. Ðồng thời đổi mới chính sách khuyến khích, đãi ngộ đội ngũ vận động viên và huấn luyện viên. Nhờ đó, chất lượng tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên của thành phố từng bước được cải thiện, nâng cao, nhất là đối với vận động viên các tuyến trẻ.


Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội hiện đang tổ chức đào tạo hơn 1.500 vận động viên. Trong các kỳ đại hội TDTT, các giải thi đấu quốc tế, Hà Nội luôn đóng góp khoảng 30% số vận động viên tham gia và giành hơn 30% tổng số Huy chương vàng của Ðoàn thể thao Việt Nam. Ở trong nước, tại bốn kỳ đại hội TDTT toàn quốc gần đây, Hà Nội luôn là đơn vị dẫn đầu, bỏ xa các đơn vị đứng sau về số huy chương. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã cử 124 đoàn với gần 3.000 lượt huấn luyện viên, vận động viên, chuyên gia đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài. Trong đó có hơn một nghìn vận động viên giành huy chương các loại (752 huy chương tại các giải thể thao trong nước, 258 huy chương tại các giải thể thao quốc tế).

Dù đạt nhiều thành tích, song trên thực tế, Hà Nội vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố Trần Thế Cương, việc thực hiện các cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên; chế độ đặc thù đối với huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên của Hà Nội còn không ít bất cập. Hiện một số hạng mục công trình nhà ở phục vụ sinh hoạt cho vận động viên đã xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu thiếu sự đồng bộ, chưa bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Quỹ đất dành cho TDTT hạn chế, nhất là tại các quận nội thành. Ðịnh mức chi ngân sách nhà nước cho hoạt động TDTT tuy được cải thiện, nhưng vẫn thấp so với nhu cầu, cho nên việc đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước vẫn còn bị động, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của thành phố, chưa đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thể thao thành tích cao trong giai đoạn mới.

Ðể duy trì và giữ vững vị trí đứng đầu về thể thao thành tích cao trong cả nước, rộng hơn tới tầm khu vực, thời gian tới Hà Nội cần chú trọng hơn công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình TDTT nhằm đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu của thể thao thành tích cao. Quan tâm, xem xét chế độ chính sách cho các vận động viên, huấn luyện viên có nhiều thành tích đóng góp cho thể thao Hà Nội và thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm đầu tư kinh phí cho ngành TDTT, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị luyện tập hiện đại đáp ứng yêu cầu thi đấu của các giải quốc gia, khu vực và quốc tế.