Phát triển du lịch bền vững và hiệu quả

Từ đầu năm đến nay, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 18 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 50.690 tỷ đồng, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Trong đó, riêng khách quốc tế đạt gần 3,2 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015. Theo Sở Du lịch Hà Nội, ước cả năm 2016, Hà Nội sẽ đón bốn triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,6% so với năm trước và hơn 17,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 8,5% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch cả năm 2016 dự kiến đạt 62.329 tỷ đồng. Đó là những tín hiệu vui, chứng tỏ du lịch Hà Nội đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Dễ thấy nhất là các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch văn hóa, làng nghề, làng cổ. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội thường tập trung lưu trú tại khu vực quận Hoàn Kiếm, tham quan khu phố cổ và một vài di tích văn hóa, lịch sử trong khu vực nội thành. Ở các huyện ngoại thành, nhất là khu vực Hà Tây (cũ), nơi có tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng hoạt động du lịch mang tính mùa vụ cao, chủ yếu tập trung trong mùa lễ hội, chưa tương xứng tiềm năng. Thí dụ như, huyện Thạch Thất có tiềm năng du lịch phong phú với 209 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị cùng hàng chục làng nghề, điểm giới thiệu nghệ thuật cổ truyền như: Chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Thạch Xá…, nhưng cả năm 2015, Thạch Thất đón hơn 140 nghìn lượt khách du lịch. Huyện Thường Tín nằm ở cửa ngõ phía nam Thủ đô, với 450 di tích lịch sử, nhiều lễ hội đặc sắc cùng 126 làng nghề, có nhiều điều kiện để phát triển các loại hình du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề và sinh thái. Thế nhưng, việc khai thác tài nguyên du lịch chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Những năm qua, khách du lịch đến Thường Tín chủ yếu để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm đối tác kinh doanh…, doanh thu từ khách du lịch không đáng kể.

Để du lịch Hà Nội phát triển bền vững và hiệu quả, thành phố cần chỉ đạo rà soát các dự án thực hiện xã hội hóa, công khai những dự án chậm triển khai; có giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Lập và triển khai quy hoạch đầu tư, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) trở thành điểm du lịch đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Quan trọng là phải không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, phát triển du lịch, xây dựng, hoàn thiện các quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; xây dựng quy chế phối hợp các lực lượng liên ngành để phát triển du lịch. Chỉ đạo ngành du lịch phối hợp với các đơn vị phát động phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cho khách du lịch, kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo, đeo bám, ép khách du lịch... tại các điểm du lịch.