"Nóng" tuyển sinh các trường ngoài công lập

Tối 29-6, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Hà Nội chính thức công bố điểm chuẩn vào các trường THPT công lập, như một động thái nhằm khép lại một kỳ thi nóng bỏng của gần 95 nghìn thí sinh, sinh vào năm "dê vàng". Tuy nhiên, sau thời điểm này lại bắt đầu cuộc chạy đua không kém phần căng thẳng của nhiều thí sinh không đủ điểm vào học tại các trường THPT công lập khi nộp hồ sơ xin xét tuyển vào các trường ngoài công lập.

Tại Trường THPT Tạ Quang Bửu - một trường mới thành lập, nằm trên địa bàn phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), sáng 30-6, điểm chuẩn tiếp nhận học sinh vào trường được công bố là 46 điểm, tới chiều cùng ngày điểm chuẩn lại được nâng lên thành 49 điểm. Sáng 1-7, Ban tuyển sinh của trường cho biết, mức điểm chuẩn ở mức 50,5 điểm, bằng mức điểm chuẩn vào các trường THPT tốp 1 của thành phố như Phan Ðình Phùng, Kim Liên và trường chỉ tiếp nhận đúng mười hồ sơ trong buổi sáng. Tới khoảng 11 giờ, nhà trường ngừng tiếp nhận hồ sơ. Việc nhà trường liên tục nâng điểm chuẩn và chỉ áp dụng mức điểm chuẩn đó trong thời gian ngắn, khiến nhiều học sinh và phụ huynh hết sức hụt hẫng. Có không ít thí sinh đạt 48 điểm, nếu so với mức điểm chuẩn ban đầu là 46 thì thừa hai điểm vào trường, nhưng không kịp nộp hồ sơ vào buổi sáng, sang buổi chiều đã mất cơ hội vào trường, bởi điểm chuẩn đã được nâng lên 49 điểm. Không chỉ vậy, có phụ huynh phản ánh, khi họ đến nộp hồ sơ, bộ phận tuyển sinh của nhà trường còn yêu cầu đóng hai triệu đồng cho khoản phí ghi danh. Ngoài ra, còn đóng phí dự tuyển và thi hết 400 nghìn đồng, nhưng khi không đăng ký được cho con vào lớp 10 lại không được nhà trường trả lại số tiền này.

Tương tự như vậy, Trường THPT Ðào Duy Từ có cung cách tuyển sinh gây bức xúc trong dư luận. Nhà trường yêu cầu học sinh nộp hồ sơ gốc (gồm cả học bạ) chỉ vài tiếng trước khi điểm chuẩn được Sở GD - ÐT công bố. Nếu trong buổi sáng ngày 29-6 không nộp, sẽ không còn chỉ tiêu nữa. Cùng với việc nộp hồ sơ, nhà trường đề nghị các phụ huynh nộp học phí tháng đầu tiên, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất trong cả năm học (tổng cộng 3,3 triệu đồng); và yêu cầu: khi đã nộp hồ sơ rồi, đề nghị gia đình không rút hồ sơ và cam kết sẽ học ổn định tại trường trong ba năm học. Tại bàn hướng dẫn, các nhân viên cho biết, nếu phụ huynh không ký cam kết này thì mời về, trường không nhận hồ sơ.

Với gần 95 nghìn thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT năm nay, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập là gần 85.800 học sinh, tăng 19.500 học sinh so với năm học trước, như vậy có khoảng gần 9.000 học sinh có nhu cầu theo học các trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều học sinh trong nội thành trượt trường đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 trong khu vực tuyển sinh, thừa điểm vào những trường THPT công lập ở khu vực tuyển sinh ngoại thành, nhưng vì quãng đường đi học quá xa, cho nên gia đình phải chọn trường ngoài công lập trong nội thành cho con theo học. Có lẽ nắm được tâm lý này, cho nên một số trường ngoài công lập có cách tuyển sinh "bắt bí" như đã nêu trên. Mặc dù theo quy định, trường ngoài công lập được phép tự chủ trong tuyển sinh, việc nhà trường thay đổi điểm chuẩn là quyết định của ban giám hiệu sau khi căn cứ vào lượng hồ sơ nộp về. Nhưng cách thức tuyển sinh như ở trường Tạ Quang Bửu và Ðào Duy Từ vừa qua đã ít nhiều gây nên những xáo trộn về tâm lý cho học sinh và dư luận xấu trong xã hội. Hy vọng rằng, Sở GD - ÐT Hà Nội sớm có giải pháp để tình trạng này không tái diễn vào mùa tuyển sinh những năm sau.