Nỗi lo tình trạng ngộ độc rượu

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán thường diễn ra nhiều cuộc liên hoan, giao lưu, ăn mừng… Đây cũng là thời gian mà nỗi lo về ngộ độc rượu lại thường trực trong mỗi gia đình. Lạm dụng rượu bia, vô tư mua bán đồ uống có cồn trôi nổi trên thị trường, ép uống rượu trên bàn tiệc… là những hành vi gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe, cho cả người sử dụng và ảnh hưởng đến cả an ninh, an toàn trật tự cho xã hội.

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai những ngày này luôn chật kín bệnh nhân, trong đó nhiều người bị ngộ độc rượu. Mới đây nhất, một người đàn ông 34 tuổi ở huyện Ba Vì đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu do uống rượu pha cồn công nghiệp (metanol). Qua xét nghiệm, nồng độ metanol trong máu của bệnh nhân cao gấp gần 15 lần nồng độ cho phép.

Theo các bác sĩ, cứ vào thời điểm trước và sau các dịp lễ, Tết, cuối năm, số ca ngộ độc rượu lại tăng cao từ 30 đến 40% so với ngày thường. Nhiều người sử dụng rượu pha cồn công nghiệp gây ngộ độc nặng, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém. Chất metanol khi đi vào cơ thể sẽ trở thành độc tố, phát tán chậm, sau một đến hai ngày nhiễm độc sẽ gây ra các phản ứng như trụy mạch, viêm gan, mắt kém… thậm chí tử vong.

Nguyên nhân gây ra ngộ độc rượu chủ yếu do uống rượu bia quá nhiều, uống rượu pha cồn công nghiệp hoặc rượu không bảo đảm chất lượng, rượu ngâm chứa nhiều độc tố. Những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng rượu bia tăng mạnh là cơ hội cho nhiều đối tượng, cơ sở sản xuất, kinh doanh trà trộn, sử dụng cồn công nghiệp để pha chế thành rượu giả để kiếm lợi nhuận.

Người tiêu dùng vẫn có thói quen mua bán rượu tự nấu, tự ngâm, không có kiểm định rõ ràng. Trong bữa ăn, trên bàn tiệc, nhiều người vẫn có hành vi ép rượu, thách rượu và có tâm lý “cả nể” khi uống rượu. Đã có quá nhiều trường hợp người say rượu bị rối loạn tinh thần, không kiểm soát được hành vi, gây rối loạn trật tự, an ninh. Sau khi uống rượu bia vẫn tham gia giao thông gây tai nạn. Uống quá nhiều rượu gây ngộ độc, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.

Để mỗi cuộc gặp gỡ, ăn uống vui vẻ không biến thành sự cố buồn, đồng thời giảm những tác hại do rượu bia, bản thân mỗi người phải có ý thức, kiểm soát được bản thân, không lạm dụng rượu bia, không có tâm lý “cả nể” khi uống rượu hoặc hành vi ép rượu, thách rượu nhau. Tuyệt đối không sử dụng các loại đồ uống không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, thông tin về sản phẩm.

Trong trường hợp bị ngộ độc cần sơ cứu kịp thời và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Các ngành chức năng cũng cần quyết liệt, sát sao trong quản lý cồn công nghiệp, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chế biến, sản xuất rượu, xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng, hàng quán pha chế, kinh doanh rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp.