Nỗ lực để khẳng định chất lượng dịch vụ

Được chú trọng đầu tư từ hạ tầng đến chất lượng phục vụ, tuy nhiên xe buýt, loại hình vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc gia tăng lượng hành khách đi xe. Sau giai đoạn tăng trưởng liên tục từ 421,8 triệu lượt khách đi xe buýt năm 2010 lên đến 463,5 triệu lượt khách năm 2014, bắt đầu từ năm 2015, lượng hành khách đi xe buýt bắt đầu chững lại và sụt giảm. Năm 2016 là 394,9 triệu lượt, giảm 8,5% so với năm 2015, phải đến năm 2017 đà sụt giảm mới chấm dứt, lượng hành khách tăng trở lại.

Nguyên nhân khiến người dân chưa thật sự mặn mà với xe buýt cũng đã được chỉ rõ. Ðó là do mạng lưới tuyến còn thiếu ổn định, một số tuyến còn chưa hợp lý về lộ trình, độ dài, chưa hấp dẫn người đi xe; biểu đồ vận hành xe thường xuyên phải đối mặt nguy cơ bị phá vỡ do ùn tắc giao thông trên tuyến. Hạ tầng của xe buýt cũng chưa được cải thiện. Ngoại trừ 16 km làn đường riêng dành cho xe buýt nhanh (BRT), xe buýt thường không có làn đường riêng để hoạt động, mà phải chạy chung làn đường với các phương tiện khác. Việc thi công nhiều công trình trên các trục giao thông chính khiến nhiều tuyến xe buýt phải thay đổi lộ trình. Toàn thành phố có hơn 3.000 điểm dừng xe buýt, tuy nhiên chỉ có 370 điểm dừng bố trí nhà chờ có mái che, ghế ngồi, chỉ chiếm 12% tổng số điểm dừng. Công tác quản lý trật tự đô thị còn nhiều hạn chế, tình trạng vỉa hè, nhà chờ, điểm đỗ xe buýt bị chiếm dụng khá phổ biến, cản trở người dân tiếp cận với xe buýt. Trong khi số lượng phương tiện cá nhân không ngừng tăng nhanh, giá vé xe buýt đã giảm tính hấp dẫn so với một số loại hình phương tiện giao thông công cộng mới ra đời như grab taxi, grab bike, xe đạp điện, xe máy điện; nhất là với những chuyến đi cự ly ngắn, giá xe buýt không thể cạnh tranh được với những loại hình phương tiện này...

Nhìn rõ những hạn chế, thành phố nói chung và ngành giao thông vận tải (GTVT) nói riêng đang nỗ lực nâng cao chất lượng xe buýt, nhằm đạt mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đáp ứng từ 20 đến 25% nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô, theo Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội. Thời gian qua, thành phố mở mới, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, mạng lưới xe buýt với 112 tuyến xe buýt đã bao phủ khắp 411 xã, phường, thị trấn trên tổng số 584 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô (tăng 20% so với năm 2015) , cơ bản đáp ứng được phần nào nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Về lâu dài, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục cải thiện mạng lưới tuyến theo hướng: hợp lý hóa lộ trình; kết nối với hệ thống BRT và đường sắt đô thị; mở rộng vùng phục vụ tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu công nghiệp, chung cư…). Tăng cường đầu tư thay thế các phương tiện đã cũ bằng các phương tiện có chất lượng cao hơn, dễ tiếp cận với hành khách và thân thiện môi trường; từng bước tăng vận tốc khai thác, đổi mới hình ảnh xe buýt theo hướng an toàn, văn minh, hiện đại. Triển khai các dự án ứng dụng công nghệ vé thông minh phù hợp nhu cầu của hành khách. Với các giải pháp đồng bộ như vậy, hy vọng xe buýt sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân khi tham gia giao thông.