Những tín hiệu vui từ xe buýt nhanh

Sau sáu ngày chính thức khai trương, hoạt động của xe buýt nhanh BRT đã dần đi vào nền nếp. Theo số liệu của Xí nghiệp Xe buýt nhanh (Tổng công ty Vận tải Hà Nội), vào các ngày trong tuần, mỗi ngày BRT thực hiện 358 lượt xe, ngày cuối tuần thực hiện 254 lượt xe, đạt 100% kế hoạch. Tuy mới vận hành, nhưng số lượng hành khách đi xe khá đông, ngày thường đạt hơn 10 nghìn lượt người, ngày cuối tuần đạt hơn 8 nghìn lượt người. Trong những ngày đầu, trên mỗi xe buýt, ngoài lái xe còn có thêm một đoàn viên thanh niên của Tổng công ty Vận tải Hà Nội giúp đỡ, hướng dẫn hành khách, cung cấp các thông tin cần thiết về lộ trình tuyến, cách thức mua vé cho người đi xe. Nhìn chung hành khách đi xe đều hài lòng về chất lượng dịch vụ của loại hình giao thông mới.

Điều đáng ghi nhận nữa là chuyển biến về nhận thức của người dân đối với giao thông công cộng. Các điểm có đông khách đi xe nhất là hai điểm đầu cuối tuyến: Bến xe Yên Nghĩa và Kim Mã, các nhà chờ Thành Công, Giảng Võ, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Đạo Thúy... đều là những điểm tập trung đông dân cư. Nhiều hành khách cho biết, nhờ BRT mà thời gian đi từ chỗ làm về nhà được rút ngắn, chỉ còn 30 phút, thay cho một tiếng đi ô-tô trước kia. Không ít người chuyển dần sang sử dụng phương tiện này để đi làm, đi học thay cho việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Người điều khiển phương tiện giao thông cá nhân cùng tham gia trên lộ trình BRT đi qua, sau những ngày đầu bỡ ngỡ, dưới sự điều hành, phân luồng của các lực lượng chức năng, đã nghiêm túc chấp hành, nhất là các xe ô-tô con.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến hoài nghi về hiệu quả của dự án BRT, một số người điều khiển phương tiện giao thông cá nhân vẫn cố tình đi vào làn đường ưu tiên của BRT. Ngay trong sáng 4-1, đã xảy ra vụ va chạm giữa BRT và phương tiện giao thông khác tại ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ. Một chiếc buýt nhanh khi đang lưu thông trên làn đường riêng bất ngờ bị một xe ta-xi lấn làn tạt đầu, làm vỡ vụn kính cửa lên xuống xe BRT.

Để tạo điều kiện cho BRT vận hành đúng mục tiêu dự án, trong bối cảnh hạ tầng giao thông trên tuyến còn bất cập, thành phố cần tiếp tục tổ chức giao thông hợp lý không chỉ trên tuyến BRT hoạt động, mà cả tuyến đường liên quan như trục đường Nguyễn Trãi-Quang Trung, Trần Duy Hưng; kết hợp với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các phương tiện cố tình không chấp hành, hỗ trợ BRT hoạt động.

Tại hội nghị An toàn giao thông sáng 4-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, BRT nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân cho thấy chủ trương đưa vào sử dụng BRT là đúng đắn, là cơ sở để thành phố tiếp tục triển khai các tuyến BRT khác, đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng, tạo những chuyển biến mới trong công tác bảo đảm trật tự an toàn, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.